Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát triển chăn nuôi theo hướng thân thiện với môi trường
Ngày cập nhật 22/10/2014

           Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là vấn đề đang được các cấp, các ngành và các hộ dân trên địa bàn huyện Quảng Điền triển khai thực hiện. Theo đó, trong năm 2013 và 2014, Trạm khuyến nông - lâm ngư huyện đã triển khai thực hiện nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót sinh học ở các địa phương. Đồng thời, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, phòng NN và PTNT huyện đã hỗ trợ triển khai các mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Bên cạnh đó, huyện Quảng Điền cũng chú trọng vận động các chủ chăn nuôi lợn sử dụng hầm khí sinh học biogas để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn. 

            Từ thành công của mô hình chăn nuôi lợn, gà sử dụng đệm lót sinh học vào năm 2013 được Trạm khuyến nông lâm ngư huyện và Trung tâm khuyến nông lâm ngư tỉnh triển khai tại xã Quảng Phước, vào cuối năm 2013 và năm 2014 này, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác trên địa bàn huyện. Năm 2014 này, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phòng NN và PTNT huyện đã triển khai mô hình nuôi gà, lợn, chim cút trên nền đệm lót sinh học như: ở xã Quảng Ngạn, có 3 hộ tham gia mô hình nuôi gà an toàn sinh học; xã Quảng Vinh có 6 hộ; xã Quảng Thọ triển khai mô hình nuôi chim cút theo hướng an toàn sinh học với 3 hộ tham gia; xã Quảng Lợi có 3 hộ được hỗ trợ mô hình nuôi gà, 10 hộ nuôi lợn và xây dựng lò ấp trứng gia cầm theo hướng an toàn sinh học; xã Quảng Thái có 2 hộ nuôi gà và 2 hộ nuôi lợn đệm lót sinh học, xã Quảng Phước có 2 hộ nuôi lợn...Bên cạnh đó, năm 2014, được sự hỗ trợ của dự án Lucxawmbua, Trạm khuyến nông lâm ngư huyện cũng đã triển khai thực hiện mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở 4 xã vùng đầm phá, ven biển, gồm xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Lợi và Quảng Công, với 20 hộ tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ một phần con giống, thức ăn và thuốc thú y, cũng như được tập huấn về kỹ thuật nuôi gà, lợn theo hướng an toàn sinh học. Nuôi gà, lợn có sử dụng đệm lót sinh học rất dễ làm, người nuôi chỉ cần trộn nguyên liệu là trấu, cám gạo, cùng men vi sinh BALASA N01 và rãi ở chuồng.

            Theo đánh giá của các hộ tham gia nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót sinh học cho biết, mô hình này giúp gà, lợn phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, gà, lợn tăng trọng nhanh và có sức đề kháng tốt, người chăn nuôi đỡ tốn công trong công tác làm vệ sinh chuồng trại hàng ngày, đồng thời do kết hợp trấu với chế phẩm sinh học BALASA NO1 nên đã giảm thiểu được mùi hôi từ phân gà, lợn, đây là vấn đề mà người chăn nuôi thường gặp khó khăn.

            Trao đổi thêm với chúng tôi về việc triển khai mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, chị Dương Thị Kim Oanh - Cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông lâm ngư huyện cho biết như sau: Mô hình nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót an toàn sinh học ở các địa phương được triển khai thực hiện thành công đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: giảm ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, giảm tiền điện, nước. Ngoài ra, nuôi gà, lợn trên nền đệm lót giúp tăng trọng nhanh hơn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ chết, từ đó tăng thu nhập cho người dân, từng bước giúp ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững. Mô hình này hiện đang tiếp tục triển khai nhân rộng trên các loại vật nuôi khác như chim cút, bồ câu lai Pháp.

            Hiện nay, cùng với việc chú trọng vận động các chủ chăn nuôi trang trại, gia trại sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà, huyện Quảng Điền tiếp tục khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi lợn theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng hầm khí sinh học biogas trong chăn nuôi. Trong thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án về giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, các hộ dân xây dựng hầm khí sinh học Biogas được hỗ trợ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng để xây dựng hầm khí khoảng 5 đến 7m3. Tuy nhiên, trong thực tế thì các hộ dân đều đầu tư thêm kinh phí để xây dựng hầm khí có dung tích từ 12-15m3.

            Theo đánh giá của nhiều hộ đã sử dụng hầm biogas, với những gia đình chăn nuôi lợn số lượng nhiều từ 10 đến 20 con lợn, nguồn phân dồi dào, công trình biogas sẽ giải quyết rất tốt vấn đề xử lý phân thải của lợn, khí biogas cung cấp nguồn nguyên liệu khí đốt phục vụ cho việc đun nấu và thắp sáng cho người nông dân.

            Hiện nay, toàn huyện có khoảng 550 hộ chăn nuôi lợn có sử dụng hầm khí biogas. Sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi là giải pháp mang lại hiệu quả cao, trước tiên là giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường thường hay xảy ra ở các khu dân cư do chất thải của lợn, đồng thời vừa tiết kiệm được kinh tế cho người nông dân khi hộ có chất đốt phục vụ hàng ngày mà không phải mất tiền.

           Từ thực tế cho thấy việc phát triển chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường tại Quảng Điền tạo ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Trong thời gian tới, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm khuyến nông lâm ngư huyện tiếp tục kêu gọi các dự án hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như kinh phí xây dựng hầm biogas. Đồng thời, khuyến khích bà con tự xây dựng hầm biogas và nhân rộng mô hình nuôi gà, lợn, chim cút và bồ câu... sử dụng đệm lót sinh học./.

                                    Thực hiện: Ngọc Kim

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.310.814
Truy câp hiện tại 10.100