Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đặc trưng cây Nưa ở Quảng Điền
Ngày cập nhật 10/09/2014

            Xã Quảng Thọ là một vùng đất khá màu mỡ của huyện Quảng Điền, rất thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp; trong đó có một số cây trồng đặc sản của địa phương, như cây Nưa, hiện nay toàn xã đưa vào trồng 5 ha Nưa.  Cây Nưa trên địa bàn xã Quảng Thọ đã có từ rất lâu, là món ăn khoái khẩu của người nhiều người dân. Tuy nhiên cũng chỉ hạn hẹp trong vùng, chưa vươn xa được chỉ vì chưa có thương hiệu.

            Nhắc đến cây Nưa mọi người đều liên tưởng đến bài thơ con cá chột nưa của nhà thơ Tố Hữu. Nưa là cây trồng truyền thống của người dân xã Quảng Thọ, Cây Nưa trên đất Quảng Thọ không biết có từ bao giờ. Trước đây người dân nơi đây xem nưa là cây lương thực số một chống đói vào mùa mưa lũ. Trong vô số các thứ đặc sản của địa phương, cây Nưa là cây đặc sản độc quyền của vùng Bắc Miền Trung kể từ Nghệ An vào đến Thừa Thiên Huế. Nưa từ ngày xửa ngày xưa đã là món ăn mang đậm hương vị quê nhà, mà không chỉ có thế, nó là thứ cây gắn với bao nhiêu thế hệ người dân nghèo, là cây cứu đói một thời xa vắng... Ở Huế, trong muôn vàn cây trái ven sông Bồ, cây Nưa rất lạ bởi cái tính gần gũi với người nông dân nghèo, song lại nó lại ngứa rất đành hanh, làm bao nhiêu người nghèo muốn ăn cũng sợ. Sợ ngứa đến rùng mình mà vẫn thích ăn bởi cái mùi vị thơm mùi đất đai ẩm mục của nó.

            Củ Nưa ăn rất ngứa, nên sau khi thu hoạch thường được bảo quản khô trên giàn bếp để làm giống cho mùa sau. Chỉ vài vùng đất như ở các xã của huyện Quảng Điền thì củ Nưa có hương vị riêng, đặc trưng so với các loại khoai sọ trồng ở vùng khác. Bởi thế, chột nưa là phần chính để chế biến nhiều món ăn riêng của địa phương nơi đây.

            Cây chột Nưa, sau khi thu hái chột, sau 3 tháng lại mọc ra chột mới, một năm thu 3 lần chột. Chột Nưa được cạo sạch vỏ, xắt phơi khô, để ráo nước, đưa lên chợ Ðông Ba bán với giá 8.000đ/kg. Nếu phơi khô hơn sẽ cao giá hơn. Chột Nưa nấu canh với cá đồng, tôm, cua là món ăn rất ngon miệng. Ngoài ra người ta còn dùng muối dưa chua, khi ăn cho thêm lá hành, lá kiệu... Người dân Quảng Thọ xa quê không thể nào quên món dưa muối chột Nưa, canh cá chột Nưa... Trong chột Nưa có tinh bột, một chất gây ngứa chưa xác định được. Trong loại chột Nưa, Amorpho-phalus Konjac K. Koch, đã nghiên cứu có tinh bột riêng, thành phần chủ yếu là Konjac-man nan hàm lượng 50%, khi thủy phân sẽ được Laevidulin, Laevidulinoza.

             Củ Nưa thu hoạch vào mùa Thu Đông, cạo sạch vỏ ngoài phơi hay sấy khô; khi dùng nấu chín nhừ, thái mỏng, ngâm nước vo gạo 24 giờ, sau ngâm nước phèn chua 12 giờ, phơi khô nấu với gừng (cứ 1kg củ Nưa cho 100g gừng) rồi sao thơm. Dược liệu có vị cay và ngứa, tính ấm, tác dụng diệt khuẩn tiêu viêm, hạ sốt, giải độc. Dùng củ Nưa tươi giã nát đắp lên chỗ viêm, mụn nhọt, sưng tấy, nơi rắn cắn. Củ Nưa phơi khô 4-12g sắc uống chữa sốt rét, ăn chậm tiêu. Người Nhật dùng tinh bột chột Nưa để ăn và nấu rượu Nưa.

             Ông Trần Dũng - người trồng Nưa thâm niên trên vùng đất xã Quảng Thọ, cho biết: “Cây Nưa, nói đúng hơn là chột Nưa, chỉ bởi cây Nưa chủ yếu dùng ở phần chột. Khi chột Nưa - tước vỏ từ gốc lên đến ngọn - đem chế biến với cá đồng hay chim sẻ, thịt heo, ăn với cơm nóng trở thành món ẩm thực dân dã được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, người trồng Nưa chúng tôi cùng đang gặp phải khó khăn ở vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm, nên không thể phát triển mạnh thêm diên tích trồng nưa được”.

             Vụ trồng nưa năm nay, gia đình anh Văn Mai, ở thôn La Vân Thượng, trồng được 4 sào Nưa, sau 4 tháng trồng và chăm sóc gia đình anh có thu nhập trên 32 triệu đồng. Anh cho biết, cây Nưa rất dễ trồng mà hiệu quả lại cao, nếu so với các loại cây trồng khác như khoai lang, môn, mướp đắng thì hiệu quả từ cây Nưa cao gấp 4,5 lần.

             Tại những luốn Nưa của vợ chồng chị Hoàng Thị Hương, ở thôn La Vân Thượng, đang tiến hành chăm sóc những diện tích Nưa đang chuẩn bị thu hoạch của mình. Chị Hương cho biết, hiện nay giá bán trên thị trường 8.000đồng/kg, mỗi sao bán được 9 triệu đồng. Như vậy 3 sào Nưa của tôi bán được được trên 27 triệu đồng. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn xã hiện nay, nhưng người dân chúng tôi không thể mở rông thêm diện tích đó là do thì trường tiêu thụ chỉ ở trong tỉnh, trong khi đó Nưa chỉ trồng và thu hoạch vào thời điểm mưa lũ, vấn đề vận chuyển đi các tỉnh khác rất khó khăn.

              Theo số liệu của UBND xã Quảng Thọ, hiện toàn xã có 50 hộ dân trồng trên 5 ha cây Nưa, chủ yếu tập trung ở thôn La Văn Thượng, La vân Hạ và thôn Phước Yên. Bình quân mỗi hộ trồng từ 2 đến 3 sào, nhiều hộ dân nhờ trồng cây Nưa đã xoá được đói, giảm được nghèo và giải quyết được việc làm ở nông thôn. 

            “Do chưa có thương hiệu nên cây Nưa vẫn chưa được quãng bá rộng khắp nên sức tiêu thu còn hạn hẹp. Việc trước mắt là tìm những chuyên gia giỏi để tổ chức tập huấn kỹ thuật pha chế, nấu ăn từ cây chột Nưa cho người dân trên địa bàn xã. Về lâu dài chúng tôi sẽ khuyến khích, hỗ trợ người dân tìm đối tác mở nhà hàng phục vụ nhu cầu thưởng thức cho người dân, từ đó để xây dựng thương hiệu chột Nưa", ông Hoàng Công Phong – PCT UBND xã Quảng Thọ nói./.

                                                                                                                                               Công Cường                                        

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.323.992
Truy câp hiện tại 18.728