Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nâng cao hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Ngày cập nhật 29/08/2014

                Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 về tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong gần 4  năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mang lại những tín hiệu tích cực. 

             Theo đó, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ năm 2010 đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã quy hoạch tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng và giá trị sản phẩm trên 1 diện tích canh tác. Ngoài những diện tích lúa vùng trọng điểm ở các xã ven sông Bồ như Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phú và thị trấn Sịa, các địa phương đã tìm tòi đưa vào khảo nghiệm những giống chất lượng cao để đưa vào sản xuất, Đến nay, huyện Quảng Điền đã xây dựng nhiều cánh đồng đạt doanh thu trên 70 triệu đồng/ha/năm, với tổng diện tích 180 ha. Trong đó, trên địa bàn huyện có 3 xứ đồng cho doanh thu hơn 100 triệu đồng/ha/năm, gồm Quảng Thành, Quảng Thọ và Quảng Phú. Nhiều mô hình chuyên canh đã mang lại giá trị thu nhập cao như vùng chuyên rau xanh các loại ở Quảng Thành; vùng chuyên lạc ở các xã ven sông bồ và xã Quảng Thái, Quảng Lợi; chuyên rau má, ớt, nưa, hoa cúc ở Quảng Thọ cho thu nhập từ 150 đến hơn 200 triệu đ/ha.

             Song song đó, huyện Quảng Điền cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phát triển ổn định các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, chú trọng nuôi cá nước ngọt thâm canh trên đất lúa. Đặc biệt, Quảng Điền chú trọng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, sử dụng chế phẩm EM vào nuôi trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích người dân mở rộng diện tích mặt nước, ổn định diện tích thả nuôi thủy sản nước lợ 634 ha. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, hạn chế được các loại dịch bệnh. Nhân rộng các mô hình đã được khẳng định có hiệu quả như: mô hình trồng nấm, rau xanh, hoa các loại, mô hình nuôi ngan Pháp, bồ câu lai Pháp, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản, mô hình nuôi xen ghép, mô hình sử dụng đệm lót sinh hoạt trong chăn nuôi lợn, gà... Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: tôm chua, tôm chấy, nem chả, rau xanh... Nhờ vậy, kinh tế hộ bước đầu phát triển, bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi mới có giá trị kinh tế cao, như chăn nuôi vịt đàn, nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp.... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. 

            Trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, các địa phương chú trọng khôi phục và phát triển nghề và làng nghề truyền thống nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp trên, huyện Quảng Điền đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ các làng nghề truyền thống khôi phục và phát triển thông qua nguồn vốn khuyến công. Bình quân mỗi làng nghề được hỗ trợ từ 30 đến 70 triệu đồng/năm. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh và một số làng nghề truyền thống đang hoạt động như: chế biến lâm sản, mây tre đan; cơ khí gò, hàn; chế biến nông sản... Trong những năm qua, từ chương trình hỗ trợ nguồn vốn khuyến công của tỉnh và huyện, các cơ sở nghề, làng nghề truyền thống của huyện được hỗ trợ nguồn vốn cũng như được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho người dân các làng nghề, nên phần lớn các cơ sở đều làm ăn có hiệu quả, từng bước tạo ra những sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường và dần dần khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có 3 danh hiệu làng nghề và 1 làng nghề truyền thống được công nhận đó là: làng nghề Bún Bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh; làng nghề chế biến mắm, nước mắm Tân Thành, xã Quảng Công; làng nghề Đan lát mây tre Thủy Lập, xã Quảng Lợi. Danh hiệu làng nghề truyền thống được trao cho làng nghề Đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú. Hầu hết, các làng nghề, nghề truyền thống của huyện được khôi phục đều phát huy có hiệu quả và bước đầu đã tạo ra nhiều việc làm mới, ổn định, mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện, giải quyết tình trạng lao động nhàn rỗi và thất nghiệp trong nông thôn.

            Cùng với chú trọng phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ cũng được các địa phương chú trọng phát huy, nhất ở trung tâm của các xã, thị trấn, với các ngành nghề kinh doanh dịch vụ điện tử, viễn thông, đồ gỗ, hàng gia dụng, dịch vụ may mặc... đã góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

            Qua quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nền kinh tế của huyện có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp chiếm 46,5%, dịch vụ - công nghiệp xây dựng chiếm 53,3%. Huyện Quảng Điền phấn đấu đến năm 2015, cơ cấu nông nghiệp giảm dưới 35%, dịch vụ công, nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 65 - 70%./.

                                                                                                 Thực hiện: Ngọc Kim

                                                                   

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.324.226
Truy câp hiện tại 18.926