Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Công Hiệu quả từ mô hình nuôi các loại cá đặc sản
Ngày cập nhật 28/05/2014

 

 

          Trước đây, người dân ở xã vùng biển Quảng Công, huyện Quảng Điền chủ yếu nuôi trồng thủy sản dựa vào nuôi tôm, nhưng do nuôi tôm thất bại liên tiếp đã gây khó khăn cho bà con ngư dân. Trước tình hình trên, trong 5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi trồng thủy sản, xã Quảng Công đã vận động bà con ngư dân chuyển đổi đối tượng và phương thức nuôi sang nuôi xen ghép các đối tượng tôm, cá, cua. Trong đó chú trọng nuôi các đối tượng cá đặc sản như: cá kình, cá dìa, cá nâu... Việc đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhất là chú trọng đưa các loài cá đặc sản vào nuôi trồng đã mang lại hiệu quả khá lớn cho bà con ngư dân. Nhiều hộ ngư dân đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá đặc sản.

 

        
            Toàn xã Quảng Công, huyện Quảng Điền hiện có 126 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, trong đó hơn 80% diện tích nuôi xen ghép các đối tượng tôm, cá, cua. Ngoài những đối tượng nuôi truyền thống, trong 5 năm trở lại đây, người dân của xã Quảng Công đã mạnh dạng đầu tư kinh phí để đưa vào nuôi các loài cá đặc sản như cá dìa, cá nâu, cá kình, cá chẽm, cá diêu hồng...Các mô hình nuôi chuyên tôm dần dần được hạn chế để tránh tình trạng xảy ra dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản. Theo bà con ngư dân biết, nuôi các loại cá đặc sản chi phí đầu tư nhiều, nhất là đầu tư con giống và thức ăn, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi, gấp ba so với nuôi chuyên tôm. Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Công mô hình nuôi cá đặc sản tập trung chủ yếu ở thôn 14, với diện tích khoảng 25 ha, điển hình như gia đình ông Phạm Thanh Việt có 1ha hồ nuôi thủy sản trên phá Tam Giang. Diện tích này được ông sử dụng để nuôi các loại cá như chẽm, cá nâu, cá hồng, cá dìa, cá kình... Các loại cá đặc sản được ông Việt thả nuôi gối vụ liên tục. Trong trường hợp khi có xảy ra lũ lụt trong vụ nuôi, ông thu gom cá vào lồng nên cá vẫn phát triển tốt và không bị thiệt hại. Bình quân mỗi năm gia đình ông Việt thu được khoảng 4 tấn cá. Những loại cá ông nuôi đều là cá đặc sản, rất được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ khá thuận lợi ở các nhà hàng, khác sạn ở các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, hàng năm mô hình nuôi cá đặc sản đã mang lại lợi nhuận lớn của gia đình ông.
            Hiện nay, giá bán các loại cá đặc sản trên thị trường rất cao, bình quân từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/ kg, trong đó cá nâu nhiều lúc lên đến 450.000 đồng/kg. nếu chỉ tính mức giá bình quân thấp nhất của các loại cá này là 100.000 đồng/kg thì mỗi năm gia đình ông Việt có doanh thu 400 triệu đồng tiền bán cá. Theo ông Việt cho biết, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình ông có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng từ nuôi cá đặc sản.
            Toàn thôn 14 của xã Quảng Công có 76 hộ dân thì có hơn 40 hộ phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi cá đặc sản này. Một trong những hộ nuôi diện tích lớn nhất là gia đình ông Phạm Việt Dũng. Với hơn 2ha hồ nuôi, trung bình mỗi năm gia đình ông Dũng thu được lợi nhuận hơn 400 triệu đồng từ cá đặc sản.
            Theo bà con ngư dân nuôi cá đặc sản ở xã Quảng Công cho biết: Các loại cá này có chất lượng thịt thơm ngon, thành phần dinh dưỡng cao, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng vì vậy mang lại giá trị kinh tế cao,  nên lợi nhuận thu được thường bằng 100% số vốn bỏ ra trong suốt quá trình nuôi. Cũng như ông Dũng và nhiều hộ dân nuôi cá đặc sản ở xã Quảng Công đã trả hết nợ cho ngân hàng do việc thua lỗ từ nuôi tôm trong những năm trước đây, đồng thời giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách chính đáng.
            Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình nuôi cá đặc sản của người dân xã Quảng Công, trong đó chủ yếu ở thôn 14 đã mang lại lợi nhuận cao nhất trong số các mô hình nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang. Những hộ nuôi diện tích ít lãi từ 100 - 200 triệu đồng/hộ/năm, những hộ nuôi nhiều thì lãi từ 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm. Nuôi cá đặc sản đưa lại lợi nhuận lớn và bền vững nên hiện chính quyền địa phương xã Quảng Công đang triển khai khuyến khích vận động bà con ngư dân trên toàn xã nhân rộng mô hình này. Bước đầu đã có 15 hộ dân ở thôn 3 và thôn 4 của xã chuyển sang nuôi cá đặc sản và cho kết quả tốt. 
            Để vươn lên làm giàu chính đáng, đòi hỏi mỗi một người dân phải dạng, chủ động, sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế, đối với mô hình nuôi cá đặc sản ở xã Quảng Công đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc đầu tư cho mô hình nuôi cá đặc sản cũng tốn kém khá nhiều, nhất là đầu tư con giống và chi phí thức ăn trong suốt vụ nuôi. Bình quân 1 ha nuôi cá đặc sản, chi phí thức ăn hàng ngày lên tới từ 2 đến 2,5 triệu đồng, tương đương khoảng 2 tạ đến 2,5 tạ thức ăn cá sống. Thế nhưng, bù lại là thu nhập mang đến tăng gấp đôi, gấp ba. Mạnh dạn đầu tư vào các loại cá đặc sản cao cấp, nhiều ngư dân của xã Quảng Công, huyện Quảng Điền thu lãi không chỉ tiền triệu mà là tiền tỷ mỗi năm, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học và tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
 
                                                                                    Thực hiện: Ngọc Kim
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.345.957
Truy câp hiện tại 8.729