Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ngày mới trên quê hương Quảng Điền!
Ngày cập nhật 04/04/2014

              Quảng Điền là một huyện nằm trong vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, được hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhân dân Quảng Điền vốn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, từ đó vun đúc và hình thành nên những yếu tố văn hóa mang tính đặc thù riêng của một vùng đất. 

            * Quảng Điền – vùng đất văn hóa

“Nhất Huế, nhì Sịa” - câu ca một thời còn truyền tụng trong dân gian bởi đây là vùng đất mang đậm những dấu tích lịch sử và đặc thù văn hóa mà không phải vùng quê nào cũng có được. Quảng Điền tự hào khi 2 lần được các Chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ đó là phủ Phước Yên (1626-1636) và phủ Bác Vọng (1712-1738). Không những thế, trước đó hàng trăm năm, Quảng Điền với Hóa Châu còn là trung tâm quân sự, hành chính, kinh tế của xứ Thuận Hóa, là phên dậu biên cương cực Nam của Tổ quốc…Trong các thời kỳ, những người con ưu tú của quê hương Quảng Điền cũng đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc như: Trần Thúc Nhẫn, Đặng Hữu Phổ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà thơ Tố Hữu…

Quảng Điền cũng là địa phương có nhiều di tích được công nhận như: Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Đình làng Thủ Lễ; Khu lăng mộ và Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật (di tích cấp quốc gia) và Đình làng Thủy Lập; địa điểm tổ chức Hội nghị Nam Dương, Chùa Thành Trung, Chùa Thiện Khánh, Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, chùa Thủ Lễ (di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, nhiều di tích, dấu tích quý giá mang dấu ấn của nền văn hóa Chămpa một thời mở nước, văn hóa thời phong kiến và những năm tháng của 2 cuộc kháng chiến giữ nước giờ vẫn còn lưu giữ… Những tinh hoa đó đã được các thế hệ nối tiếp giữ gìn và phát huy.

Có lẽ với những đặc trưng riêng như thế nên Quảng Điền cũng từng được chọn để xây dựng huyện điểm văn hóa, một vùng quê với nhiều lễ hội đặc sắc như: Đu tiên Phước Yên; Vật làng Thủ Lễ, bài chòi, bài ghế, cầu ngư, đua ghe vào những ngày đầu năm mới. Gần đây, một lễ hội mới khơi nguồn từ phá Tam Giang huyền thoại cũng đã được Quảng Điền tổ chức thành công đó là lễ hội “Sóng nước Tam Giang” gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và hình thành các tour du lịch cộng đồng sinh thái gắn với vùng biển và đầm phá.

Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền

* Ngày mới trên quê hương Quảng Điền

Nếu ai xa quê nay trở lại Quảng Điền chắn rằng sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay đến kỳ diệu của quê nhà, nhất là trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trước hết là những thay đổi ở đô thị Sịa – trung tâm huyện lỵ Quảng Điền. Nhiều tuyến đường mới được mở ra, đặc biệt là các tuyến đường chính đều đã có tên gọi mới mang đậm nét đặc trưng của vùng đất văn hóa, đường Nguyễn Vịnh – vuông góc với đường tỉnh lộ 11 A (đường Nguyễn Kim Thành) được xem là điểm nhấn trong phát triển đô thị của địa phương nên đã được đầu tư đồng bộ từ lề đường, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường khác cũng đã được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng trong mấy năm lại đây đã góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày càng khang trang như: đường Hóa Châu, đường Trần Trùng Quang, đường Lê Tư Thành, đường Trần Bá Song, đường Phạm Quang Ái, đường Đặng Huy Cát. Không chỉ đầu tư phát triển giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng khác cũng được đầu tư xây dựng như: trường học, bệnh viện, Nhà thi đấu và tập luyện thể dục thể thao, nhà văn hóa…tạo nên một dáng dấp của đô thị đang trên đà phát triển.

Cùng với Sịa, các xã trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng đã có những đổi thay đáng kể, nhất là sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, nhân dân các xã đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động để xây dựng, nâng cấp, tu sửa các nhà văn hóa thôn, cổng chào thôn xóm; trung tu đình làng; mở rộng và bê tông hóa các đường thôn xóm; vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược sạch đẹp. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn. Qua thống kê từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, toàn huyện đã nâng cấp, xây dựng mới 46,8 km đường bê tông thôn, xóm; 57,5 km giao thông nội đồng; xây dựng mới 4 nhà văn hóa xã và 11 nhà văn hóa thôn, nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn Quảng Điền ngày càng khởi sắc.

Nhà văn hóa thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú được xây dựng từ nguồn xã hội hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, những thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Điền đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương ngày càng phát triển. Nhiều mô hình sản xuất mới có thu nhập cao được người dân tập trung đầu tư sản xuất như: rau Quảng Thọ, Quảng Thành, Mía Quảng Phú. Việc đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm đã góp phần làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí cho người nông dân. Nhiều làng nghề truyền thống của địa phương cũng đã được duy trì và phát triển như: làng đan đát Bao La (Quảng Phú), Thủy Lập (Quảng Lợi) với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, mẫu mã đẹp phục vụ nhu cầu của thị trường; hay như làng nghề bún Ô Sa, nước mắm Tân Thành, rượu Lai Hà cũng đã và đang dần có thương hiệu trên địa bàn. Các loại hình dịch vụ từng bước phát triển, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân như: dịch vụ vật tư nông nghiệp và xây dựng; sửa chữa điện-điện tử; dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Điểm nhấn trong phát triển thương mại, dịch vụ ở Quảng Điền phải kể đến là hiệu quả hoạt động của Trung tâm thương mại huyện, với 120 lô hàng, trung bình mỗi ngày nơi đây thu hút trên 1 ngàn lượt người đến mua bán và trao đổi hàng hóa. Cũng từ Sịa, nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắc Lắc, Đà Lạt được mở ra, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân địa phương…

Trung tâm thương mại Quảng Điền

* Thay cho lời kết:

Trong định hướng phát triển của mình, Quảng Điền vẫn luôn khẳng định: phát triển nhưng vẫn luôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa mà các thế hệ cha ông đã để lại, bởi đây là thế mạnh riêng có của Quảng Điền. Chính vì vậy mà trong việc tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, huy động mọi người dân cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp bằng mỗi việc làm cụ thể mà lễ hội “Sóng nước Tam Giang” lần thứ 3 sẽ diễn ra vào 3 ngày 30/4 đến 2/5 là dịp để Quảng Điền tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, con người và những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đoàn người đến với lễ tế Bà Tơ để hiểu rõ hơn về công lao của người phụ nữ làng Bác Vọng đã có công cứu Chúa Nguyễn thoát nguy trong một lần vượt phá Tam Giang và được Chúa ban cho đặc ân cai quản một phần mặt nước phá Tam Giang hay là theo dòng người đến với lễ hội để qua những làn điệu dân ca, dân vũ.... sẽ hiểu rõ hơn về một Quảng Điền đang được đánh thức.

Phương Linh 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.356.495
Truy câp hiện tại 16.134