Tìm kiếm tin tức
Hội nghị tổng kết mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm sú ở Quảng An
Ngày cập nhật 24/09/2009

 

Ngày 22/9/2009, UBND huyện Quảng Điền phối hợp với Khoa Thuỷ sản-Trường Đại học Nông Lâm Huế tổ chức hội nghị tổng kết mô hình ứng dụng chế phẩm EM và các hợp chất của chúng trong nuôi tôm sú tại các hồ nuôi bị ô nhiễm ở xã Quảng An.

 

Huyện Quảng Điền có diện tích nuôi tôm sú nước lợ hạ triều ven phá Tam Giang khoảng 670 ha, trong đó các xã có diện tích nuôi lớn là Quảng An, Quảng Phước và Quảng Công. Trong những năm qua, tình hình nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm sú gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả thị trường không ổn định, làm cho hiệu quả nuôi tôm giảm mạnh, người nuôi trồng thuỷ sản thua lỗ liên tục, không còn khả năng để tiếp tục đầu tư.
Với mục tiêu nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi và hạn chế dịch bệnh trong việc nuôi tôm sú của người dân địa phương, hướng tới xây dựng vùng nuôi tôm an toàn, hiệu quả và ổn định. Được sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của Khoa Thuỷ sản-Trường Đại học Nông lâm Huế và Dự án phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, UBND huyện đã giao trách nhiệm cho Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND xã Quảng An và các đơn vị tài trợ triển khai thực hiện dự án: Sử dụng chế phẩm EM và các hợp chất của chúng trong nuôi tôm sú tại các hồ nuôi bị ô nhiễm ở xã Quảng An.
Kết quả cho thấy mô hình đã có hiệu quả kinh tế khá rõ, năng suất tôm sú bình quân đạt 915kg/ha, giá trị sản lượng bình quân 72,2 triệu đồng/ha; trong 24 hộ tham gia mô hình, có 19 hộ có lãi, chiếm 79,2%, với lợi nhuận bình quân 28,6 triệu đồng/ha, tăng 2-3 lần so với phương thức nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình cũng mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội và môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong ao nuôi và ngoài vùng đầm phá.
Dự kiến, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia nhân rộng mô hình nhằm phát huy tối đa hiệu quả mà dự án đã mang lại. (NVĐ)
Các tin khác
Xem tin theo ngày