Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Cần nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ngày cập nhật 25/03/2010
Phá Tam Giang

Theo số liệu thống kê của  phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện toàn huyện có 646 đối tượng tham gia đánh bắt thủy sản hoạt động gần bờ như: cào hiến, cào lươn, kích điện, lưới vây, kích điện có gắn máy cole. Đa số phương tiện đều có công suất lớn, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang. Điều này đồng nghĩa với việc do khai thác quá mức, nguồn lợi thủy sản ngày càng trở nên cạn kiệt, đời sống của bà con ngư dân khó khăn hơn. Chính vì thế, việc tuyên truyền, tạo ra ý thức nhằm bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản đối với ngư dân vùng biển và đầm phá, cùng với tăng cường quản lý của ngành chức năng là việc làm rất cần thiết hiện nay.

Những năm qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Quảng Điền quan tâm. Theo khảo sát của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, năm 2009, dọc tuyến phá Tam Giang thuộc các địa phương Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phước, thị Trấn Sịa, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Ngạn, Quảng Công đã có hàng trăm hộ ngư dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt huỷ diệt thuỷ sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Điều này đã dẫn đến việc nguồn lợi thủy sản tại vùng đầm phá vốn đã cạn kiệt, nay càng trở nên cạn kiệt hơn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là việc làm mất cân bằng hệ sinh thái mà hậu quả để lại thì khó có thể lường hết được. Trước tình hình trên, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng ngư dân sống ven biển, ven phá Tam Giang. Mục đích là nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh việc khai thác hủy diệt vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Một bộ phận ngư dân cũng đã nhận ra được điều này, song hiện tại tình trạng khai thác hủy diệt vẫn chưa giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên nguyên nhân dễ nhận thấy nhất vẫn là: các hộ ngư dân không có công ăn việc làm ổn định, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, không có vốn để đầu tư sản xuất sang lĩnh vực khác. Một thực tế nữa là trong những năm qua không những ngư dân trên địa bàn huyện khai thác huỷ diệt thuỷ sản mà có cả các ngư dân  từ các huyện Phong Điền, Phú Vang đến khai thác bằng đủ các phương tiện huỷ diệt và dùng các loại thuyền gắn máy Cole có công suất mạnh để chạy trốn các cơ quan chức năng khi bị phát hiện. Phần lớn trong số họ là những hộ ngư dân nghèo, trình độ dân trí thấp, nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất hạn chế. Các hộ ngư dân sống tập trung ở ven phá, tốc độ tăng dân số cao dẫn đến tình trạng nghèo khó, thất nghiệp, nên dù biết được việc khai thác thủy sản bằng các phương tiện huye diệt là vi phạm pháp luật, nhưng đa phần vẫn làm để kiếm cơm hàng ngày. Các ngành chức năng bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục, thậm chí là xử phạt hành chính, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây phát sinh nghề cào bay khai thác trên tuyến biển tại 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản. Theo số liệu thống kê trong năm 2009, các cơ quan chức năng đã xử lý 18 vụ vi phạm và thu giữ 11 phương tiện, gồm ghe nhôm, bộ kích điện, dụng cụ cào hến, cào lươn... xử phạt 36 triệu đồng....Việc khai thác đánh bắt trái phép của các đối tượng đã diễn ra rất nhiều năm trên vùng đầm phá Tam Giang, vùng ven biển và các ao đầm trên địa bàn. Số người tham gia và số vụ vi phạm, tập trung lớn nhất vẫn là địa bàn Quảng Thái. Trong năm 2009 đã có đến 250 đối tượng tham gia đánh bắt bằng các phương tiện hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Chính quyền địa phương xã Quảng Thái đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, vào các buổi họp dân tại cơ sở, chỉ đạo cho ban công an, quân sự xã tuần tra liên tục trên các tuyến sông, đầm phá. Xử lý và tạm giữ nhiều phương tiện khai thác. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, giữa các địa phương đang còn hạn chế, dẫn đến tình trạng vi phạm cứ tái diễn khó quản lý. Để chủ động trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản dọc phá Tam Giang, việc cần thiết, cấp bách nhất hiện nay là phải hạn chế và từng bước loại bỏ các phương tiện khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Vấn đề quan trọng nhất là chuyển đổi nghề cho ngư dân. Quảng Điền có hơn 11km bờ biển và hơn 20 km phá Tam Giang kéo dài từ xã Quảng Thái đến xã Quảng Thành, với ngư trường rộng lớn, để chấm dứt tình trạng làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven biển và đầm phá, phải chú trọng nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. .../.

                                                                                  Việt Bình

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.342.124
Truy câp hiện tại 6.266