Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tìm về phủ Chúa Nguyễn ở Bác Vọng.
Ngày cập nhật 21/01/2009

          Chúng tôi về làng Bác Vọng  xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền theo hành trình của đề tài “Nghiên cứu, thám sát khảo cổ học các thủ phủ Đàng Trong ở Thừa Thiên Huế”. Bác Vọng là nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu đã chọn đóng phủ trong khoảng thời gian từ năm 1712 đến năm 1738.

              Chúng tôi có mặt tại Bác Vọng ngay sau khi các nhà nghiên cứu bắt tay vào công việc. Vùng đất được chọn để đào thám sát nằm ở khu vực phía sau lưng chùa Thiện Khánh. Cũng giống như ở Phước Yên (nơi Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đóng phủ trong 10 năm, từ 1626 đến 1636 ), Bác Vọng là vùng đất phù sa của dòng sông Bồ. Ở đây có một hệ thống kênh mương phong phú nối thông với nhau, cho nên trong sách “Ô châu cận lục” soạn giữa thế kỷ XVI đã viết rằng “Bác Vọng khéo làm đăng” - Do đất làng hình thành phát triển men theo sự bồi tụ phù sa của bờ Bắc sông Bồ nên đất đai màu mỡ tốt tươi, cảnh làng quê thanh bình yên tĩnh. Đây chính là những lý do để chúa Nguyễn Phúc Chu chọn Bác Vọng đóng phủ chúa trong thời gian 28 năm. Phân tích nguyên nhân vì sao chúa Nguyễn Phúc Chu chọn Bác Vọng đóng phủ Chúa,  Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng: “Đầu thế kỷ XVIII, đoạn sông Bồ chảy qua Hạ Lang-Bác Vọng có độ uốn cong từ Tây sang Đông lên Bắc rất lớn, tạo nên một vòng cung hướng về phía Đông nam, phần đất bên trong vòng cung này là một bãi phù sa nổi do sông Bồ bồi đắp nên. Bên trong bãi phù sa ấy có cả một hệ thống kênh mương phong phú nối thông với nhau. Như vậy, dù vùng đất Bác Vọng nếu xét về mọi mặt đều không thể so sánh với đất Phú Xuân hay Kim Long, nhưng sự hấp dẫn của nó có lẽ là do sự mới mẻ và những yếu tố ưu việt về mặt địa lý phù hợp với nguyện vọng thay đổi phủ chính của chúa Nguyễn”.

            Trong đợt đào thám sát này, các nhà nghiên cứu tiến hành đào 3 hố. Ở hố số 1 sau khi đào một lớp đất mỏng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một đường gạch dài. Đường gạch này được sắp xếp bằng những viên gạch nối liền nhau, không có vôi vữa. Điều đáng chú ý là từ hố đào thám sát này, các nhà nghiên cứu đã cho đào thêm một đoạn nữa và cũng phát hiện có dấu vết của một đường gạch như ban đầu. Theo lời kể của nhiều người dân ở đây, trước kia, vùng đất này có nhiều gò đất nổi cao lên. Trong khi trồng trọt, bà con cứ san lấp dần cho nên vùng đất này bây giờ trở nên bằng phẳng. Trong quá trình sản xuất, bà con cũng bắt gặp nhiều loại gạch, đá, cát ở khu vực này...

            Ở hố thám sát thứ 2, các nhà nghiên cứu không nhìn thấy gạch nhưng trong cấu tạo các tầng đất có lẫn cát và dấu vết của tro than. Theo thạc sĩ Lê Duy Sơn, dấu vết cát ở đây khả năng từ nơi khác chuyển đến, điều này cho thấy người xưa đã có ý đồ xây dựng kiến trúc ở đây.

            Ở hố thứ ba, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của những viên  gạch cùng kích cỡ với gạch ở hố thứ nhất. Qua việc đào thám sát ở Bác Vọng cho thấy, những hiện vật tìm thấy được không nhiều và cũng chưa đủ phong phú để có thể đi đến một kết luận toàn diện nhưng đây là những bước đi đầu tiên cho phép chúng ta nghĩ đến những đợt khai quật rộng lớn hơn để có thêm nhiều hiện vật,  kết luận sẽ chính xác hơn.

            Tiến hành điều tra nghiên cứu trên thực địa, Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng những dấu tích của thời kỳ thủ phủ Bác Vọng hiện nay vẫn còn có thể xác định được, nằm rải rác cả hai làng Bác Vọng Đông và Hạ Lang, ở đây còn có con kênh mang tên Ao Phủ Xứ; những nền đất mang tên Tàu Tượng (chuồng voi); đặc biệt là hệ thống kênh mương - đây là hệ thống thuỷ lộ phục vụ cho các họat động ở Phủ Chúa và cũng chính là đường giao thông của người xưa.

         Phía trước khu vực đào thám sát là ngôi chùa làng mang tên Thiện Khánh. Theo sử sách ghi lại, chúa Nguyễn Phúc Chu là người rất sùng đạo Phật. Có thể ông đã cho xây dựng ngôi chùa này ở gần phủ để tiện cho việc thờ tự và chiêm bái của mình. Ngôi chùa làng bây giờ do một vị thầy lớn tuổi chăm nom hương khói. Dấu thời gian đã in sâu lên cổng chùa cho thấy một phần nào lịch sử của vùng đất này. Hiện tại trong chùa ngoài việc thờ ba ngôi đức Phật là Phật Thích ca, Phật Di Đà, Phật Di Lạc, bà con còn thờ Quan Thánh, các vị hộ pháp và thờ những người có công với làng.

             Không có một vị trí đắc địa như ở Phú Xuân nhưng tại sao chúa Nguyễn lại chọn Bác Vọng để đóng phủ. Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải: Bác Vọng là vùng đất văn vật, ở đây còn giữ được nét đẹp yên ả của một làng quê vùng ven sông Bồ và một lối sống làng quê hiền hậu và chân chất. Người dân Bác Vọng sống vui vẻ với ruộng lúa, vườn rau của mình, tình làng nghĩa xóm thấm đượm qua những bát nước chè xanh mời nhau uống trong ngày mùa. Các họ tộc giữ một vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ con cháu sống chăm chỉ, giữ gìn truyền thống gia đình, dòng họ. Những ngôi nhà thờ họ được con cháu chăm lo hương khói, sửa sang thờ tự chu đáo, trên các câu đối còn ghi rõ lời dạy dành cho con cháu. Ở đây còn có những am thờ thể hiện một nét văn hoá làng quê. Ở miếu thờ Bà Hoả, trên cửa còn khắc ghi rõ hai câu đối :

“ Linh khí trùm sông núi

  Công đức phủ muôn dân”

            Gần 300 năm đã trôi qua, tìm về phủ Chúa ở Bác Vọng giúp chúng ta hiểu hơn một phần chặng đường các chúa Nguyễn khi dời thủ phủ từ Ái Tử (Quảng Trị) về Phước Yên, Kim Long và Bác Vọng (Thừa Thiên Huế) để hiểu thêm về sức hấp dẫn và tập trung của mảnh đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế ./. 

                                                                                  Diệu Hà

                                                                                                                                      

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.323.866
Truy câp hiện tại 18.619