Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xã Quảng Thọ tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật.
Ngày cập nhật 11/06/2011

            Sáng ngày 10/6/2011, UBND xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật.

            Đến dự có Ông Lê Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Trần Quang Vinh, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Ông Hoàng Đăng Khoa, UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện; Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và cách mạng; cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, phòng Văn hóa và Thông tin; đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, Ban điều hành các thôn, Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn xã và đông đảo nhân dân thôn Phước Yên đã đến tham dự.

Nguyễn Hữu Dật sinh năm Quý Mùi (1603) người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Từ nhỏ Nguyễn Hữu Dật là một con người thông minh và có tài văn học, năm 16 tuổi (1619) ông được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bổ làm Văn chức, sau đó ông làm tham mưu cho cha mình tham dự các trận đánh lớn quân Trịnh ở phía Bắc, lập được nhiều công lớn, được thăng chức Đốc Chiến, Chưởng dinh Tiết Chế tước Chiêu Võ Hầu (năm 1655). Ông là một trong ba nhân vật trụ cột, đã có nhiều đóng góp đáng kể cho công cuộc mở nước, xây dựng bờ cõi, chống lại với các thế lực quân Trịnh ở đàng ngoài và mở mang bờ cõi, phát triển xã hội của Chúa Nguyễn ở đàng trong.

Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết: Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, ngôi vị được truyền lại cho chúa Nguyễn Phúc Lan. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định dời phủ về Kim Long... Tháng 4 năm Giáp Thân (1644), chúa Nguyễn Phúc Lan sai “dựng miếu Hi Tông (thờ chúa Nguyễn Phúc Nguyên) ở dinh cũ Phước Yên” và cho người phụ trách coi giữ miếu thờ này. Khoảng năm 1681, khi Nguyễn Hữu Dật qua đời, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được đưa về thờ ở phủ Kim Long, thì nơi này sử dụng để thờ Nguyễn Hữu Dật - người có công lao giúp các chúa Nguyễn giữ yên bờ cõi ở phía Bắc, ổn định tình hình chính trị và phát triển ở vùng đất mới. Trải qua thời gian, chiến tranh và sự tàn phá của khí hậu miền Trung, nhưng ngôi Miếu vẫn được nhân dân Phước Yên thờ tự, chăm sóc và tồn tại cho đến ngày nay.

Những công lao đóng góp của Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật gắn liền với quá trình phát triển lớn mạnh, mở mang bờ cõi, xây dựng và củng cố lực lượng của các chúa Nguyễn ở đàng trong, đặt cơ sở cho bước đầu xây dựng và phát triển của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế sau này. Vậy nên, việc tồn tại miếu thờ Nguyễn Hữu Dật không những thể hiện tình cảm, quí trọng của nhân dân địa phương đối với người có nhiều đóng góp to lớn đối với vùng đất trù phú này, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, mà đó còn là sự đánh dấu vai trò quan trọng trong việc phát triển thế và lực của các chúa Nguyễn.

Việc UBND tỉnh xếp hạng di tích miếu thờ Nguyễn Hữu Dật là di tích lịch sử văn hóa là một việc làm có ý nghĩa, giá trị nhân văn to lớn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng, đồng thời phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Là cơ sở pháp lý để bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách tốt nhất, đầy đủ nhất những di tích quí hiếm về thời kỳ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Điền nói riêng,  Thừa Thiên Huế nói chung. (PL)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.811.834
Truy câp hiện tại 18.173