Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão năm 2014
Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão năm 2014
Ngày cập nhật 13/10/2014

             Trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn tấn công đàn vật nuôi. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi về công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi nhằm không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. 

            Mùa mưa thời tiết ẩm ướt, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút xuất hiện trên đàn vật nuôi; để chủ động phòng chống dịch bệnh, các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đã  và đang tăng cường công tác bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là che chắn chuồng trại tránh gió lùa, cũng như tăng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm.

            Tại địa bàn xã Quảng Thái - địa phương có số lượng người tham gia chăn nuôi lợn với quy mô khá lớn theo hình thức gia trại và trang trại lên đến hơn 150 hộ, trong đó có những hộ nuôi đến hàng trăm con. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong đàn vật nuôi, xã Quảng Thái đã tăng cường công tác tuyên truyền và chỉ đạo bà con chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tăng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng cho đàn lợn để tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ thú y viên của xã tổ chức các đợt tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi gồm trâu, bò, lợn và gia cầm. Đến nay, công tác tiêm phòng vụ Thu năm 2014 trên địa bàn xã Quảng Thái cơ bản đạt kết quả. Đồng thời, để hạn chế tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi, xã Quảng Thái cũng vận động nhân dân xây dựng khoảng 50 hầm khí sinh học Bioga, vừa giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, vừa có chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Cùng với xã Quảng Thái, các địa phương khác của huyện Quảng Điền cũng đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, nhằm khống chế không để dịch bệnh phát sinh, lây lan, nhất là dịch bệnh tai xanh ở lợn.   

            Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện Quảng Điền hiện có tổng đàn lợn hơn 33 nghìn con; đàn trâu gần 2,1 nghìn con; đàn bò gần 1.900 con, trong đó có 905 bò lai; đàn gia cầm hơn 443 nghìn con, chim cút 40.000 con. Ngoài ra, còn nhiều giống gia cầm, thuỷ cầm có chất lượng như gà Ry lai cải tiến, gà Lương Phượng, ngan Pháp đã nhập vào nuôi phổ biến trên địa bàn huyện. Chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tiếp tục duy trì, phát triển. Hiện nay, toàn huyện có 31 trang trại và hơn 400 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phần lớn các chủ chăn nuôi trang trại và gia trại đều nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và có chế độ chăm sóc vật nuôi một cách hợp lý, nhất là công tác tiêm phòng các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh.

            Theo Trạm Thú y huyện cho biết: đến thời điểm này, toàn huyện đã tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò 460 liều, đạt 81% kế hoạch; Tiêm tam liên lợn 13.980 liều, đạt 81% kế hoạch; Tiêm lở mồm long móng trâu, bò 1.425 liều, đạt 41% kế hoạch; Tiêm lở mồm long móng lợn 1.500 liều, đạt 28% kế hoach; Tiêm cúm gia cầm 101.700 liều; tiêm dịch tả vịt hơn 69 nghìn liều. Hiện nay, Trạm Thú y huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục tiêm phòng bổ sung vắc xin tam liên lợn, vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò và vắc xin LMLM trâu, bò, lợn, phấn đầu sớm kết thúc việc tiêm phòng vụ Thu cho đàn vật nuôi, đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão.

            Ban chăn nuôi thú y của 11 xã, thị trấn cũng đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tăng cường công tác theo dõi, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mỗ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật, đảm bảo cung cấp các sản phẩm động vật an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, nghiêm cấm việc nhập nuôi các loại vật nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ vào địa bàn. Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi, các chủ buôn bán không được mua bán vật nuôi bị bệnh. Trạm Thú y huyện cũng đã chỉ đạo Thú y cơ sở cần khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh, hoặc có dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là trên đàn lợn, người chăn nuôi phải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không được bán tháo vật nuôi bị bệnh. Với quyết tâm cao nhất ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện.

            Từ đầu năm 2014 đến nay, với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành liên quan, sự chủ động phòng chống dịch bệnh của các chủ chăn nuôi nên trên địa bàn huyện đã không để dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, chất lượng đàn vật nuôi từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân./.

                                                          Thực hiện: Ngọc Kim

                                                                

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.317.793
Truy câp hiện tại 14.663