Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ được mùa, được giá
Ngày cập nhật 07/07/2014

           Vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ năm 2014, bà con ngư dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Điền phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trong quá trình thả nuôi, toàn huyện có khoảng 8 ha thủy sản bị dịch bệnh,  nhưng nhờ sự chủ động của các cấp, các ngành và bà con ngư dân nên đã khống chế kịp thời dịp bệnh, các đối tượng thủy sản phát triển tốt và hiện nay đã đến thời kỳ thu hoạch. Thủy sản được mùa và được giá, bà con ngư dân hết sức vui mừng, phấn khởi.

            Vụ nuôi trồng thủy sản năm nay, gia đình ông Trần Chưởng, ngư dân xã Quảng Phước đưa vào thả nuôi 3 ha diện tích thủy sản nước lợ với hình thức nuôi xen ghép các đối tượng gồm tôm sú, cá dìa, cá kình, cua. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi xen ghép từ khâu chọn con giống, mật độ thả nuôi, công tác chăm sóc, vệ sinh cũng như thay nước trong ao hồ nuôi nên các hồ thủy sản của gia đình ông không bị dịch bệnh xảy ra. Sau một thời gian đưa vào thả nuôi, hiện các diện tích tôm, cá, cua đã phát triển tốt và đến kỳ thu hoạch tỉa. Theo ông Trần Chưởng cho biết với giá bán hiện nay, bình quân 1 kg tôm sú loại 40 con có giá 170.000 đồng, Cua có giá 180.000 đ/kg; Cá dìa: 140.000 đ/kg ( kích cở 4 con/kg); Tôm rảo: 140.000đ/kg đã mang lại nguồn thu khá lớn cho gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong xã. So với những năm trước, năm nay các loại thủy sản nước lợ đều tăng giá, các hồ nuôi thủy nước lợ nếu không bị chết do ảnh hưởng môi trường nước phần lớn đều có lãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

             Trong vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014, bà con ngư dân của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đưa vào thả nuôi 635,31 ha, chủ yếu nuôi xen ghép với các đối tượng thủy sản nước lợ. Đây là vụ nuôi rất nhiều khó khăn đối với bà con ngư dân, nguyên nhân do thời tiết có những diễn biến bất thường, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, tình hình nắng nóng kéo dài và chất lượng nước ở bên ngoài không đảm bảo nên đã gây ra dịch bệnh đốm trắng và bệnh môi trường ở một số hồ nuôi của bà con ngư dân. Trong quá trình thả nuôi đã có khoảng 8 ha diện tích thủy sản nước lợ của các xã, thị trấn bị dịch bệnh. Trong đó chủ yếu tập trung ở các xã như: Quảng Phước 4 ha, Quảng Ngạn 2,5 ha và thị trấn Sịa 1,5ha.

            Trước tình hình trên, phòng NN và PTNT huyện đã phối hợp với Trạm thú y, UBND các xã thị trấn và các chủ hồ nuôi tiến hành lập biên bản đóng cống và xử lý Chlorin đối với các ao hồ bị bệnh. Đối với những ao hồ nuôi xen ghép đã tiến hành xử lý clorin với liều lượng 10ppm và 30ppm, đối với những ao hồ nuôi chuyên tôm sú tăng cường sục khí để tăng lượng ô xi nhằm giúp các đối tượng nuôi phát triển tốt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh xảy ra. Đồng thời cũng khuyến cáo các hộ nuôi khác không nên thay nước trong thời điểm đang xảy ra dịch bệnh để tránh trường hợp lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng vận động bà con ngư dân thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của các đối tượng tôm, cá, cua, kịp thời phát hiện các dấu hiện dịch bệnh để có biện pháp xử lý.

            Nhờ có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và bà con ngư dân trong công tác chủ động phòng chống dịch bệnh ở các đối tượng nuôi thủy sản nước lợ, không để dịch bệnh lây lan ở diện rộng, đồng thời bà con ngư dân cũng đã thực hiện các biện pháp để tăng sức đề kháng cho các đối tượng thủy sản, đảm bảo khẩu phần thức ăn đủ chất dinh dưỡng, lượng nước trong hồ nuôi luôn đảm bảo và tuần thủ quy trình thay nước. Đến nay, sau 3 tháng đưa vào thả nuôi, các đối tượng thủy sản nước lợ phát triển tốt, các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản đã vận động bà con ngư dân tiến hành thu hoạch tỉa đối các hồ nuôi với mật độ quá dày để đảm bảo môi trường nước cho các đối tượng thủy sản phát triển tốt.

            Theo thống kê của phòng NN và PTNT huyện cho biết đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 72,6 tấn tôm sú; 47,5 tấn cua; 3,6 tấn cá dìa; 57,5 tấn cá kình; 23 tấn tôm rảo; 48 tấn tôm chân trắng. Phần lớn các loại thủy sản đều được giá, dao động  khoảng 150 đến 170 nghìn đồng/kg.

            Trao đổi với chúng tôi, anh Hà Văn Duy - cán bộ kỹ thuật phụ trách thủy sản thuộc phòng NN và PTNT huyện cho biết: Vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ năm 2014 của huyện Quảng Điền mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con ngư dân đã tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho các đối tượng nuôi nên thủy sản phát triển tốt. Đến nay, bà con ngư dân đang tiến hành thu hoạch, vụ nuôi trồng này cơ bản được mùa, sản lượng thu hoạch tôm, cá, cua đạt khá cao, bà con ngư dân hết sức vui mừng, phấn khởi. Bên cạnh đó, giá bán các loại thủy sản cũng cao hơn so với những vụ nuôi năm trước từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg nên phần lớn các hộ tham gia nuôi đều có lãi.

            Hiện nay, công tác thu hoạch các diện tích thủy sản nước lợ đang được bà con ngư dân tiến hành tích cực, phấn đấu đến ngày 30/8, huyện Quảng Điền sẽ hoàn thành việc thu hoạch các diện tích thủy sản nước lợ nhằm tránh những thiệt hại do thiên tai gây ra./.

                                                Thực hiện: Ngọc Kim

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.335.235
Truy câp hiện tại 1.207