Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh các đối tượng thủy sản nước lợ.
Ngày cập nhật 13/06/2014

           Vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ năm nay, huyện Quảng Điền đưa vào thả nuôi gần 634 ha diện tích, với hình thức nuôi xen ghép. Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên từ đầu vụ đến nay, toàn huyện có hơn 10 ha thủy sản nước lợ bị dịch bệnh đốm trắng và bệnh môi trường nước, thêm vào đó, do chất lượng giống tôm nuôi không đảm bảo nên đến nay sau gần 3 tháng đưa vào thả nuôi, tôm nuôi phát triển chậm, gây khó khăn cho bà con ngư dân trong quá trình chăm sóc và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngư dân.

            Xã Quảng Phước là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất của huyện Quảng Điền, trong vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014 này, địa phương đã vận động bà con ngư dân đưa vào thả nuôi 166,2 ha diện tích thủy sản nước lợ, chủ yếu thả nuôi theo phương thức xen ghép các đối tượng tôm, cá, cua, với 295 hộ tham gia nuôi. Đầu vụ, để chuẩn bị cho quá trình đưa vào thả nuôi, bà con ngư dân đã tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo, xử lý ao hồ, chọn con giống, thời tiết đầu vụ nuôi không có rét đậm, rét hại xảy ra nên các đối tượng nuôi phát triển tốt. Tuy nhiên. đến nay, sau gần 3 tháng đưa vào thả nuôi, tôm cá có dấu hiệu xuất hiện dịch bệnh do ảnh hưởng của môi trường nước không đảm bảo, nguồn nước thải trong sản xuất nông nghiệp cũng thải ra trực tiếp ở các kênh gần các ao hồ nuôi và bà con ngư dân cũng tiến hành thay nước cho các ao hồ nên ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm, cá, cua, thêm vào đó thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục trong hơn 1 tháng qua, nhiệt độ tăng cao nên các đối tượng nuôi bị ngột khí dẫn đến dịch bệnh.             

             Trao đổi thêm với chúng tôi, Ông Trần Chưởng - Ngư dân xã Quảng Phước cho biết thêm những khó khăn trong vụ nuôi trồng thủy sản năm nay  như sau: Vụ nuôi trồng năm nay, gia đình ông đưa vào thả nuôi 1 mẫu, với hình thức nuôi xen ghép, thời gian đầu thả nuôi các đối tượng tôm, cá, cua phát triển rất tốt, nhưng gần đây, kiểm tra tại hồ nuôi, lượng tôm chết và thưa dần do ảnh hưởng của môi trường nước, nước các ao hồ nuôi cạn, nắng nóng kéo dài, bà con ngư dân không thể thay nước thường xuyên do nguồn nước đưa vào các hồ nuôi không sạch. Tôm phát triển rất chậm do tôm giống kém chất lượng, trước đây, tôm thả nuôi khoảng 2 tháng bà con ngư dân có thể thu hoạch, nhưng hiện nay gần 3 tháng thả nuôi tôm vẫn chưa đạt trọng lượng theo yêu cầu, ảnh hưởng đến nguồn thu của bà con ngư dân. Đồng thời việc quản lý dịch bệnh và tôm chết rất khó phát hiện do thả nuôi theo phương thức xen ghép khi tôm bị bệnh chết, cua, cá ăn, bà con ngư dân vẫn không biết.

            Theo ngành chức năng đánh giá, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên độ mặn trong các ao hồ nuôi giảm, thêm vào đó các đối tượng nuôi bị ngột do thiếu khí. Vì vậy, từ đầu vụ nuôi đến nay, toàn huyện Quảng Điền đã có hơn 10 ha thủy sản nước lợ bị bệnh, trong đó, chủ yếu là bệnh đốm trắng và bệnh do môi trường nước xảy ra ở tôm nuôi, tập trung ở các địa phương như: Quảng Ngạn, Quảng Phước và thị trấn Sịa. Để hạn chế dịch bệnh lây lan sang các ao hồ nuôi khác, các địa phương đã vận động bà con ngư dân chọn thời điểm thay nước trong ao nuôi hợp lý, thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của các đối tượng tôm, cá, cua, kịp thời phát hiện các dấu hiện dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

            Ông Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho chúng tôi biết thêm về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng thủy sản nước lợ trên địa bàn xã: Qua quá trình chỉ đạo và kiểm tra tại các ao hồ nuôi trên địa bàn xã, năm nay tôm phát triển chậm do thời tiết nắng nóng kéo dài và môi trường nước bị ô nhiễm, hệ thống kênh cấp nước cho các hồ nuôi trồng thủy sản của xã Quảng Phước vừa hẹp không đảm bảo cho quá trình lưu thông nước, toàn xã đã có 4 ha bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng xảy ra ở tôm nuôi và bệnh môi trường nước ở tôm, cá, cua. Vì vậy, xã Quảng Phước đã chỉ đạo và cấp hóa chất cho bà con ngư dân xử lý, chỉ diệt những con tôm bị yếu và giữ lại những con tôm, cá, cua khỏe mạnh với mục đích tránh thất thu cho bà con ngư dân.

            Dịch bệnh đốm trắng và bệnh môi trường nước xuất hiện, gây những khó khăn cho bà con ngư dân trong quá trình chăm sóc các đối tượng tôm, cá, cua và có những thiệt hại về kinh tế nhất định. Trước tình hình trên, Phòng NN và PTNT huyện Quảng Điền đã phối hợp với các xã, thị trấn và Trạm thú y tiến hành triển khai các biện pháp xử lý. Đối với những ao hồ nuôi xen ghép đã tiến hành xử lý clorin với liều lượng 10ppm và 30ppm đối với những ao hồ nuôi chuyên tôm sú, chỉ đạo bà con ngư dân tăng cường sục khí để tăng lượng ô xi nhằm giúp các đối tượng nuôi phát triển tốt, đồng thời tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh cho các đối tượng thủy sản nước lợ, với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh xảy ra trong vụ nuôi trồng thủy sản năm nay./.

                                                           

                                                Bài và ảnh: Ngọc Kim 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.341.843
Truy câp hiện tại 6.026