Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chị Bùi Thị Sáu - người hội viên phụ nữ làm tốt công tác giữ gìn và phát huy nghề truyền thống bún bánh Ô Sa.
Ngày cập nhật 14/12/2013

           Chị Bùi Thị Sáu - là hội viên phụ nữ thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh, chị là một trong những hội viên làm tốt công tác giữ gìn và phát huy nghề truyền thống làm bún bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh, đồng thời tích cực vận động chị em hội viên trong thôn cùng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, mạnh dạng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Vì vậy chị đã được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đáng giá là một hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển sản xuất. 

            Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ, chị Bùi Thị Sáu đã luôn phụ giúp cha mẹ trong công việc làm bún bánh, nên chị đã quen với các công đoạn sản xuất bún thủ công như ngâm gạo, giã gạo, nhồi bột... Lúc đó, mỗi ngày gia đình chị chỉ sản xuất được từ 20 đến 25 kg bún. Công sức để làm bún bỏ ra thì nhiều nhưng thu nhập mang lại không cao, không đủ trang trãi cho sinh hoạt của gia đình. Đến khi lớn lên, lấy chồng, nghề nghiệp của vợ chồng chị là làm ruộng, nhưng làm nông nghiệp hết sức bấp bênh, không đủ lo cho con cái ăn học. Vì vậy, bản thân chị đã quyết tâm giữ nghề truyền thống làm bún mà cha ông đã truyền lại để kiếm thêm thu nhập, mặc dù có lúc khó khăn, hàng làm ra đôi lúc ế ẩm không tiêu thụ được, nhưng bản thân chị đã không nản chí mà quyết tâm giữ lấy nghề bằng cách tìm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm. Mặc khác để cho sản phẩm bún làm ra có chất lượng, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, chị Bùi Thị Sáu đã lựa chọn loại gạo chất lượng cao, không pha trộn cũng như không dùng hóa chất để làm trắng sản phẩm. Nhờ vậy mà bún của chị làm ra được khách hàng ưa chuộng và tin tưởng để chị gắn bó với nghề truyền thống cho đến nay. Và nghề làm bún, bánh chính là nghề chính của gia đình chị hiện nay.

            Trước đây, Nghề làm bún, bánh ở thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh có nguy cơ ngày càng mai một, do thu nhập của người dân làng nghề rất thấp, sản phẩm bún làm ra khó tiêu thụ. Nhưng trong những năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng càng lớn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Chị Bùi Thị Sáu đã mạnh dạng đầu tư phát triển nhà xưởng, tìm tòi trang bị công cụ sản xuất làm bún, một phần vừa cải thiện được sức lao động, vừa tăng năng suất về sảm phẩm, sợi bún làm ra đẹp và thơm ngon hơn và thu nhập từ đó cũng tăng lên. Đồng thời trong quá trình sản xuất, Chị Sáu cũng chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

            Trong 5 năm trở lại đây đây, được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống cũng như được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Quảng Vinh cùng với quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ nguồn lãi của quá trình làm bún hàng năm, chị Bùi Thị Sáu đã mạnh dạng đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuát bún, mở rộng nhà xưởng khang trang, quy mô hơn. Với công nghệ này, hiện nay, bình quân mỗi ngày chị Sáu đã sản xuất được khoảng 1 tấn bún. Trong đó sản xuất cho gia đình chị khoảng 300 kg, còn lại cho 7 lao động khác trong thôn 700 kg. Với số bún sản xuất như vậy, gia đình chị lãi ròng hàng ngày khoảng 350  - 400 nghìn đồng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ bún bánh của thôn Ô Sa ngày càng được mở rộng trong huyện và các địa phương khác trong tỉnh. Hiện trên địa bàn thôn Ô Sa có gần 50 hộ dân tham gia làm bún, bánh, trong đó chỉ có 6 hộ sản xuất bún theo quy trình máy móc hiện đại như chị Sáu.

            Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất bún, chị Sáu cũng đã đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn để tận dụng phụ phẩm của quá trình sản xuất bún, thả nuôi 5 lợn nái sinh sản để lấy giống lợn thịt, xuất chuồng bình quân hàng năm từ 30 đến 50 lợn thịt. Từ 2 nguồn trên, bình quân mỗi tháng gia đình chị Sáu thu nhập khoảng 12 đến 15 triệu đồng. Nhờ vậy chị có điều kiện đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghị sinh hoạt đầy đủ trong gia đình, đầu tư cho con cái ăn học. Cùng với quá trình đẩy mạnh khôi phục, đầu tư phát triển và giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Chị Bùi Thị Sáu còn vận động, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều chị em hội viên phụ nữ trong thôn Ô Sa giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, vận động chị em mạnh dạng đầu tư mua sắm máy móc hiện đại để phục vụ làm bún, chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng thị trường tiêu thụ và thị hiếu của người tiêu dùng để duy trì và phát triển nghề làm bún bánh, xứng đáng với danh hiệu làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận nghề sản xuất bún bánh là nghề truyền thống của làng Ô Sa.

       Bên cạnh việc chú trọng phát triển sản xuất, Chị Bùi Thị Sáu cũng là một hội viên phụ nữ tích cực trong việc tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, hoạt động của chi hội phụ nữ, của câu lạc bộ làng nghề; đồng thời, chị luôn hưởng ứng và ủng hộ các phong trào, các cuộc vận động của Hội phụ nữ phát động, tích cực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch" và tham gia các hoạt động xây dựng NTM ở địa phương. Với việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương, cùng sự nỗ lực và mạnh dạng đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, vận động chị em hội viên của làng nghề duy trì và phát triển nghề truyền thống chị Bùi Thị Sáu đã được cấp ủy Đảng, chính quyền của thôn Ô Sa và bà con nhân dân đánh giá cao, chị cũng được Hội LHPN huyện chọn là 1 trong 6 tấm gương phụ nữ tiêu biểu của huyện tham dự hội nghị biểu dương hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi toàn tỉnh vừa được tổ chức./.

                                                            Thực hiện: Ngọc Kim

                                                                                    

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.384.033
Truy câp hiện tại 3.961