Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Mô hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn gia đình góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ Quảng Điền.
Ngày cập nhật 12/12/2013

            Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ có việc làm trong thời gian nhàn rỗi sau mùa vụ, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên phụ nữ, trong thời gian vừa qua, Hội LHPN huyện Quảng Điền đã tạo điều kiện và vận động các hội viên đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn gia đình. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được khoảng 60 mô hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn gia đình do hội viên phụ nữ làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

             Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng là hội viên phụ nữ thuộc chi hội Tổ dân phố Uất Mậu, thị trấn Sịa, tham gia vào công tác Hội chị luôn trăn trở, suy nghĩ làm gì để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho chị em hội viên phụ nữ nghèo trong Tổ dân phố. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội LHPN thị trấn Sịa cùng với quá trình mạnh dạng đầu tư trong phát triển kinh tế, năm 2011, chị đã đầu tư kinh phí hơn 200 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh doanh dịch vụ gia đình, với các dịch vụ ăn uống, giải khát. Mô hình kinh doanh dịch vụ gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng chuyên nhận và phục vụ các món ăn uống, giải khát tại nhà của khách hàng như các dịp lễ cưới, hỏi, đám tiệc... Mô hình kinh doanh của chị đã góp phần giải quyết việc làm cho 10 hội viên phụ nữ trong Tổ dân phố Uất Mậu với mức thu nhập từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/ người/ tháng. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho chị Nguyễn Thị Kim Hoàng ngày càng mở rộng dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến thực phẩm, Hội LHPN thị trấn Sịa cũng đã triển khai  kế hoạch phối hợp với Trạm y tế thị trấn hướng dẫn chị em hội viên tham gia kinh doanh dịch vụ gia đình tiến hành khám để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để hành nghề, hướng dẫn các thủ tục để mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và tham gia tập huấn các lớp về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội cũng đã tạo điều kiện cho chị Nguyễn Thị Kim Hoàng vay vốn ưu đãi để mở rộng dịch vụ kinh doanh. Nhờ vậy, mô hình kinh doanh dịch vụ gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm thu lãi từ mô hình này của gia đình chị đạt khoảng 40 triệu đồng.

            Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Hồ Thị Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sịa cho biết: trong thời gian qua, thực hiện phong trào phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế, Hội LHPN thị trấn đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt những năm trở lại đây, khi đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu về dịch vụ ăn uống, giải khát ngày càng lớn, nắm bắt được vấn đề này, Hội LHPN thị trấn Sịa đã vận động hội viên phụ nữ mạnh dạng đầu tư kinh doanh dịch vụ gia đình. Đến nay, trên địa bàn thị trấn Sịa có khoảng 20 hội viên phụ nữ tham gia kinh doanh dịch vụ gia đình. Trong đó chị Nguyễn Thị Kim Hoàng là một điển hình trong mô hình này. Mô hình kinh doanh của chị vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết được việc làm cho 10 hội viên phụ nữ trên địa bàn.

          Cùng với thị trấn Sịa, hiện nay, hầu hết 10 xã trên địa bàn huyện Quảng Điền hội viên phụ nữ đã mạnh dạng đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát gia đình và dịch vụ cho thuê giàn rạp để phục vụ  các tiệc, lễ hội... Như ở xã Quảng Phước, Hội LHPN xã đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hội viên tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát. Trong đó chú trọng công tác hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi cho các chị. Bình quân một chị được vay 20 triệu đồng để mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dịch vụ. Đồng thời, Hội cũng thường xuyên vận động các chị sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đúng nhãn mác, thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong khâu chế biến thực phẩm cần chú trọng các món ăn ngon, bổ dưỡng, hợp vệ sinh và trưng bày đẹp mắt.chức theo hướng chuyên nghiệp.

            Tại xã vùng biển Quảng Ngạn, trong thời gian qua, Hội LHPN xã cũng đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề của huyện tổ chức 5 lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho khoảng 200 hội viên tham gia. Khi lớp học kết thúc, các chị hội viên đã bàn bạc xây dựng các dịch vụ nhằm phục vụ nấu ăn khi có lễ cưới, hỏi, hiếu hỷ... cho bà con trong thôn. Mô hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn của hội viên phụ nữ xã Quảng Ngạn được xây dựng trên cơ sở là của chi hội, với sự góp vốn chung từ nguồn quỹ của chi hội để mua sắm vật dụng, dụng cụ cần thiết nên thu hút được sự hưởng ứng của toàn thể hội viên. Khi tham gia một phần các chị được hưởng thù lao ngày công từ 150.000đ - 200.000đ và phần còn lại sẽ bổ sung vào nguồn quỹ của chi hội. Đi đầu trong hoạt động này là chi hội phụ nữ thôn Tân Mỹ, nhờ duy trì đều đặn mô hình, hiện nay chi hội đã tăng nguồn quỹ chi hội lên 70 triệu đồng và một số tài sản có giá trị, nhất là nhà sinh hoạt của chi hội với trị giá xây dựng là 250.000.000đ. Ngoài ra vào các dịp lễ của Hội như 8/3, 20/10, chị em hội viên tổ chức liên hoan thân mật thì hội viên trong chi hội không đóng góp mà trích từ quỹ hội ra để tổ chức.  Toàn xã Quảng Ngạn 9/9 chi hội đã có dịch vụ này. Đây là một mô hình vừa mang lại thu nhập cho chị em khi nhàn rỗi, đồng thời tăng thêm nguồn quỹ của chi hội tạo điều kiện để chi hội hoạt động, có thêm một phần kinh phí để thăm hỏi, quan tâm hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn, vì vậy chị em tin tưởng vào tổ chức Hội và tự nguyện tham gia vào Hội ngày càng đông.

            Theo Hội LHPN huyện Quảng Điền cho biết: Trong 3 năm gần đây, mô hình kinh doanh dịch vụ gia đình ăn uống, giải khát trên địa bàn huyện Quảng Điền phát triển khá mạnh do nắm bắt được nhu cầu của thị trường. 11 xã, thị trấn đều có dịch vụ này. Để tạo điều kiện cho các chi hội cũng như các hội viên có điều kiện phát triển dịch vụ ngày càng quy mô hơn, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong tiêu dùng, chế biến thực phẩm cũng như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến món ăn... Nhờ vậy hoạt động kinh doanh dịch vụ gia đình của các hội viên ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn từ khâu chế biến, trang trí đến lễ tân và chất lượng các món ăn được đảm bảo thơm ngon, bổ dưỡng phù hợp với du khách. Điều quan trọng là mô hình này vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho hội viên, đồng thời vừa giải quyết được việc làm cho hàng trăm hội viên phụ nữ với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/ tháng./.

                                                                        Thực hiện: Ngọc Kim

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.383.966
Truy câp hiện tại 3.899