Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Ngày cập nhật 17/10/2012

           Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn huyện, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao được xem là giải pháp góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân.

            Nhiều năm gần đây, nông dân huyện Quảng Điền đã đưa các loại máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp như: máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy xay xát nông sản… làm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức cho bà con. Việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất đã góp phần giảm sức lao động cho người nông dân, là khâu quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất lên nhiều lần. Đặc biệt là sự xuất hiện của chiếc máy gặt đập liên hợp đã đưa việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa hoàn thiện từ khâu gieo cấy đến khâu thu hoạch. Có thể nói, hiện nay hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” trên ruộng đồng đã không còn, thay vào đó là hình ảnh máy móc nông nghiệp ngày càng tăng nhanh, rõ nét. Theo kết quả khảo sát của phòng NN và PTNN huyện, hiện tại, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được trang bị cơ giới hóa đạt tỷ lệ gần 100% như các khâu: làm đất, tưới, tiêu nước, xay xát… Đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 350 máy làm đất, 20 trạm bơm, với 50 máy bơm dã chiến đạt công suất 40.960 m3/h bảo đảm tưới, tiêu nước cho các cánh đồng, 37 máy gặt đập liên hợp và hàng trăm chiếc máy tuốt lúa và máy xay xát. Một số xã điển hình trong đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là: Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng An, Quảng Thành… Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết: “Đã nhiều năm nay, lực lượng lao động tại chỗ trong xã thường xuyên bị thiếu hụt do một bộ phận lao động nông thôn đi làm thuê tại các nơi khác nên việc sử dụng các loại máy móc trong nông nghiệp đã góp phần bảo đảm gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các hộ nông dân có điều kiện đầu tư thêm nhiều máy móc cơ giới hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu hiện tại của bà con và làm dịch vụ tăng thêm thu nhập”. Nói về hiệu quả của chiếc máy gặt đập liên hợp, anh Phan Văn Lục ở xã Quảng Phước tâm sự: “Qua tìm hiểu ở một số địa phương thấy việc thu hoạch lúa thuận lợi hơn nhờ máy gặt đập liên hợp nên năm 2011 gia đình tôi đã chung vốn với một hộ nông dân khác mua một chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá 260 triệu đồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất của gia đình và và làm dịch vụ gặt lúa thuê cho các hộ trong và ngoài xã. Đặc điểm của chiếc máy này là máy có độ rộng mặt cắt 1,8m, thời gian thu hoạch chưa đến 10 phút/sào, độ sạch của hạt thóc đạt trên 95%, tỷ lệ hao hụt khi gặt dưới 3%, đặc biệt, máy có thể thu hoạch được trên những chân ruộng có diện tích nhỏ và ruộng nước lún sụt. Với giá công là 150.000 đồng/sào và mỗi vụ gặt trong vòng 20 ngày, trừ mọi chi phí thì chỉ mất từ 1- 2 vụ làm dịch vụ là người nông dân có thể thu lại đủ vốn". Theo ông Hoàng Vọng, Phó trưởng phòng Nnông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, cơ giới hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, nhưng thực tế trong thời gian qua, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp của huyện mới chỉ tập trung chủ yếu ở các khâu làm đất, thu hoạch còn lại khâu cấy, phơi sấy, bảo quản vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công, quy mô hộ gia đình. Nguyên nhân là do việc thực hiện cơ giới hóa chưa đồng bộ giữa các khâu, các loại máy chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nông dân do ruộng đất manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng chưa phù hợp, tính hợp tác chưa cao… Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Quảng Điền sẽ tập trung giải quyết việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy hoạch giao thông nội đồng, đồng thời thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở bảo hành, sửa chữa máy rộng khắp các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa máy thuận lợi nhất cho nông dân./.

                                                                          Việt Bình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.283.161
Truy câp hiện tại 15.808