Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng ở xã Quảng Lợi - cần được nhân rộng.
Ngày cập nhật 08/10/2012

               Nhằm khai thác và bảo vệ có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên vùng phá Tam Giang, hạn chế tình trạng khai thác, đánh bắt hủy diệt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, được sự quan tâm của Chính phủ Đan Mạch và Bộ NN và PTNT đã hỗ trợ thực hiện mô hình đồng quản lý tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền từ năm 2008 - 2011. Sau khi kết thúc dự án, chính quyền và ngư dân xã Quảng Lợi đã tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhằm xây dựng hình thành mô hình đồng quản lý phù hợp trên địa bàn xã, qua đó từng bước bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng  phá.

             Quảng Lợi là một trong những xã nghèo của huyện Quảng Điền, kinh tế chủ yếu là trồng trọt và khai thác, nuôi trồng thủy sản và xã có có vùng mặt nước phá Tam Giang khá lớn, với diện tích trên 900ha. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên khu vực này có rất nhiều loài thủy sản phong phú và đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Toàn xã có 387 hộ ngư dân sống dựa vào đầm phá, với các nghề như khai thác, nuôi trồng, đánh bắt nguồn lợi thủy sản... Tuy nhiên, trong một thời gian dài, ngư dân xã Quảng Lợi có thói quen khai thác và đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá mang tính hủy diệt, làm hạn chế sự phát triển của các loài thủy sản, gây cản trở dòng chảy. Vì vậy, việc xây dựng mô hình quản lý hiệu quả nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ và giúp ngư dân có sinh kế bền vững là vấn đề đang được đặt ra cấp bách. Từ năm 2008 - 2011, được sự hỗ trợ Chính phủ Đan Mạch và Bộ NN và PTNT hỗ trợ thực hiện mô hình đồng quản lý tại xã Quảng Lợi. Sau 4 năm triển khai thực hiện, chính quyền và ngư dân xã Quảng Lợi đã ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhằm xây dựng hình thành mô hình quản lý cộng đồng nguồn lợi thủy sản phù hợp trên địa bàn xã.

            Theo đó, mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng với nhóm đồng quản lý gồm 5 thành viên, cán bộ Ban quản lý của chương trình cấp tỉnh, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh, Phòng NN và PTNT huyện và Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi. Nhóm quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng có quan hệ chặt chẽ và thường xuyên với cộng đồng...Mô hình quản lý nói trên đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là có sự chia sẻ quyền lực trong việc quản lý nguồn lợi tự nhiên giữa chính quyền và cộng đồng ngư dân thông qua việc thành lập các Chi hội nghề cá và các quy chế, quyết định được pháp lý hóa dựa trên lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của cá nhân trong việc sử dụng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá.

            Sau khi kết thúc sự hỗ trợ của dự án, ngư dân xã Quảng Lợi tiếp tục triển khai thực hiện tốt hoạt động quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng. Theo đó đã giúp các hộ ngư dân xã Quảng Lợi tiếp cận ổn định tài nguyên vùng đầm phá trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và khai thác tự nhiên, an ninh trật tự trên vùng đầm phá được đảm bảo tốt hơn, các hoạt động sinh kế của người dân được đảm bảo tốt như hạn chế trộm cắp tài sản lồng nuôi, nò sáo, hạn chế tranh chấp và các hành vi gây mất trật tự trên vùng đầm phá. Qúa trình khai thác thủy sản hủy diệt được quản lý tốt với nhiều hoạt động tuyên truyền, tuần tra chống khai thác hủy diệt của các cấp, các ngành trên địa bàn, nhờ đó có phần giảm rõ rệt, góp phần tác động tích cực trong quá trình tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá, ảnh hưởng tốt đến hoạt động sinh kế lâu dài của ngư dân. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, dòng chảy trên vùng đầm phá tại địa bàn xã Quảng Lợi cũng được thuận lợi và thông thoáng hơn, từ đó môi trường nước được cải thiện; Tổ chức cộng đồng đã được hình thành và củng cố các bước phát triển, bước đầu hoạt động có hiệu quả trong việc quản lý nguồn lợi tự nhiện. Đặc biệt, nguồn lợi thủy sản trong khu vực có dấu hiệu được phục hồi tốt, môi trường sinh thái được cải thiện, lồng nuôi và nò sáo được quy hoạch bố trí lại, khoản cách giữa các lồng được đảm bảo, khoản cách giữa các nò, sáo được mở rộng tạo điều kiện cho sự di chuyển phát tán của các loài thủy sản.

            Từ hiệu quả mang lại trong các mô hình quản lý thủy sản dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh nói chung và ở xã Quảng Lợi nói riêng, vào năm 2011, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về việc thành lập khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ, Quảng Lợi với diện tích 40ha. Theo giao ước chung, cấm tuyệt đối khai thác dưới mọi hình thức ở khu vực này. Khu bảo vệ thủy sản hình thành giao cho cộng đồng bảo vệ quản lý trên cơ sở từ sự quan tâm lớn của tỉnh và sự tài trợ kinh phí của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thông qua Hội Nghề cá tỉnh. Khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ ra đời trong thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng tại xã Quảng Lợi là tín hiệu đáng mừng cho hy vọng về sự phát triển bền vững đời sống của chính ngư dân xã Quảng Lợi nói riêng và ngư dân trên địa bàn huyện nói chung, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Mô hình này cần được nhân rộng ở các địa phương ven phá, ven biển trên địa bàn huyện.

            Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh và huyện Quảng Điền cũng đã có những chính sách, kế hoạch cụ thể nhằm mục tiêu cải thiện việc tăng cường quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản ổn định trên đầm phá, góp phần đưa kinh tế biển, đầm phá của tỉnh ngày càng phát triển một cách bền vững./

                                                                                         Ngọc Kim

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 17.008