Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nuôi lợn rừng: mô hình làm ăn mới ở xã Quảng Thái.
Ngày cập nhật 28/09/2012

            Để góp phần làm phong phú thêm các giống có chất lượng cao, thúc đẩy nghề nuôi lợn nói chung, lợn rừng nói riêng phát triển một cách bền vững và tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Công thương huyện tiến hành chọn 2 hộ dân ở xã Quảng Thái tham gia trình diễn  mô hình nuôi lợn rừng sinh sản. Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình đã mang lại kết quả khá khả quan, mở ra triển vọng phát triển kinh tế trên vùng trang trại rú cát.

            Mô hình được triển khai trình diễn ở 2 hộ đó là ông Văn Vinh và ông Hồ Thúc Diêu trên vùng trang trại rú cát xã Quảng Thái, với số lượng giống đưa vào thả nuôi ban đầu là 6 con, mỗi hộ 3 con, bao gồm một lợn đực và 2 lợn cái giống, với tổng kinh phí thực hiện gần 140 triệu đồng, trong đó vốn khoa học công nghệ 65 triệu đồng, số tiền còn lại của các gia đình đầu tư xây dựng cơ sở chuồng trại và chăm sóc lợn giống. Để cho 2 hộ dân có kiến thức kinh nghiệm trong chăn nuôi chăm sóc lợn rừng, phòng Công thương huyện đã cho hai hộ tham gia mô hình tham quan thực tế tại huyện Trà Quế tỉnh Quảng Nam. Qua quá trình tham quan học tập kinh nghiệm và thấy có khả năng lợn rừng có thể nuôi được trên vùng đất rú cát, hai hộ dân đã tiến hành làm chuồng trại với diện tích 500m2, chọn mua lợn giống tại huyện Phú Lộc. Qua 2 năm chăm sóc, lợn phát triển khá tốt đã cho sinh sản với tổng đàn lợn con 20 con. Kết quả của Dự án cho thấy đầu tư nuôi lợn rừng lai giữa lợn rừng đực với lợn nái địa phương tạo con lai ưu thế lai cao của cả bố và mẹ, có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đứng sống với môi trương tự nhiên, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ áp dụng nhân rộng mô hình. Trong một buổi tham quan thực tế tại trang trại nuôi lợn rừng của hộ anh Văn Vinh, anh đã dẫn chúng ta đến khu vực chăn nuôi lợn rừng, theo anh cho biết: tuy thời gian đầu thả nuôi cũng gặp không ít khó khăn do đây là giống lợn mới, thêm vào đó thời gian đưa vào thả nuôi gặp thời tiết lạnh buốt kèo dài, lợn chậm lớn, tuy nhiên đây là giống lợn có sức đề kháng cao, tạp ăn, trong quá trình nuôi không xảy ra bệnh...Anh cho biết “xác định đây là mô hình mới mở ra hướng đột phá cho chăn nuôi trên địa bàn huyện, nên gia đình chúng tôi đã quyết tâm học tập kinh nghiệm từ những hộ nuôi khác trong tỉnh nên những con lợn đưa vào thả nuôi phát triển khá tốt, đến nay đã sinh được 2 lứa với số lượng 7 con lợn con. Qua quá trình đẩy mạnh chăm sóc lợn phát triển khá tốt, hiện nay đã đến thời kỳ xuất chuồng, gia đình đã bán 1 con lợn thịt 40kg với giá 150.000 đồng/kg, như vậy cả 10  con lợn hiện tại sẽ có tổng giá trị 75 triệu đồng, sau khi trừ chi phí xong sẽ cho lãi ròng 40 triệu đồng. Dự kiến thời gian sắp tới, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi và nhân rộng đàn nuôi”.

            Quả thật những con lợn rừng lai của 2 hộ ông Văn Vinh và ông Hồ Thúc Diêu ngày càng lớn mạnh. Bản năng là động vật hoang dã, chúng rất tạp ăn, bất kể thức ăn gì chúng cũng ăn được nên rất chóng lớn. Nuôi lợn rừng đòi hỏi sự kiên nhẫn, đặc biệt là lúc mới đưa loài vật này về. Lợn rừng thông thường rất nhát nhưng có khi chúng lại lồng lộn, tìm cách phá chuồng để thoát ra ngoài. Vì thế, trong thời gian chờ lợn thích ứng với chỗ ở mới, người nuôi phải bình tĩnh và đối xử nhẹ nhàng với chúng.  Phải từ từ làm quen, chu đáo trong khi cho ăn, dọn chuồng... Sau này, khi lợn dần dần thích ứng với nơi ở thì khâu chăm sóc cũng đơn giản hơn. Do vậy, ở hai hộ chăn nuôi lợn rừng đều làm chuồng bằng bê  tông, đóng cọc rào lưới B40 để hạn chế sự phá phách của động vật hoang dã này.

            Cũng theo anh Văn Vinh cho biết: qua quá trình triển khai thực hiện nuôi lợn rừng trên vùng rú cát với kinh nghiệm đã có thì mô hình nuôi lợn rừng có thể nhân rộng trên phạm vi lớn hơn, bất kỳ người dân nào cũng có thể phát triển nuôi lợn rừng. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư để mua giống và làm chuồng trại. Để khai thác và phát huy hiệu quả, đồng thời phát triển mô hình nuôi lợn rừng, chính quyền và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho người dân, bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quảng bá thông tin về các trang trại nhằm tìm đầu ra của sản phẩm... Nếu như giải quyết tốt vấn đề này lợn rừng có khả năng nhân rộng trên vùng trang trại rú cát, tạo ra hướng đa dạng sản phẩm trong chăn nuôi.

 

                                                                          Công Cường.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 20.295