Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát triển mô hình thư viện ở các vùng nông thôn Quảng Điền.
Ngày cập nhật 22/02/2012

            Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ như Internet, hệ thống thư viện cũng là một nhu cầu thiết yếu của người dân lao động. Trong những năm gần đây, hệ thống thư viện trên địa bàn huyện đã được phát triển, nhất là mô hình thư viện, tủ sách làng văn hóa đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao dân trí của người dân. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng huyện điểm văn hóa và huyện nông thôn mới. 

Nói đến Quảng Điền không ai không nghĩ đến những giá trị văn hóa của vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng này. Cùng với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của cha ông để lại, hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Điền đang phát triển một loại hình văn hóa đặc thù, đó là văn hóa đọc. Để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân, huyện Quảng Điền đã quan tâm xây dựng hệ thống thư viện từ huyện đến cơ sở. Theo đó hiện nay huyện đã hình thành thư viện Nguyễn Chí Thanh, tọa lạc tại trung tâm huyện lỵ với hơn 11.630 đầu sách và 15.554 bản sách các loại. Các đầu sách chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo, sách văn học, sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản, và nhiều loại tạp chí khác. Các loại sách báo tạp chí này đã góp phần rất lớn cho người dân địa phương đến để nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, từ ngân sách nhà nước, Thư viện huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử với 10 máy vi tính nối mạng Internet đặt tại thư viện Nguyễn Chí Thanh để phục vụ học sinh có nhu cầu. Hệ thống thư viện điện tử đã góp phần tích cực trong quá trình tiếp cận thông tin, kiến thức của người dân, nhất là đối với học sinh các cấp trên địa bàn huyện.

Cùng với sự phát triển của thư viện huyện, nắm bắt nhu cầu tiếp cận thông tin, kiến thức của người dân ở từng làng, thôn; một số làng thôn trên địa bàn huyện đã phát triển các  thư viện, tủ sách làng văn hóa. Nhờ vậy, những năm trở lại đây hệ thống thư viện làng, thôn đã phát triển khá mạnh, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành hơn 20 thư viện, tủ sách ở các làng văn hóa. Gọi là thư viện, nhưng chính xác là những tủ sách của làng và của các hộ gia đình, với độ chừng hơn 7.000 đầu sách, chưa kể tạp chí, báo các loại. Những cuốn sách được bao bọc cẩn thận, xếp ngay ngắn trên giá minh chứng cho sự quý trọng đời sống tinh thần ở một huyện điểm văn hóa. Tiêu biểu là thị trấn Sịa, hiện nay có 6/9 thôn có thư viên, trong đó, thôn Thạch Bình có một thư viện làng ra đời sớm và hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện, với hơn 4.000 đầu sách. Người đọc được phát thẻ, có thủ thư, có thư mục sách, cũng phải giữ yên lặng không làm phiền người khác, nghĩa là tuân thủ các nội quy như những thư viện lớn trong tỉnh. Chỉ khác, thư viện làng không hề thu tiền. Mỗi tuần, thư viện mở cửa 1 ngày vào thứ 5 hàng tuần  và thu hút từ 60 đến 70 lượt người đọc; vào dịp Hè thì mở cửa 2 ngày/tuần. Trẻ em say sưa đọc truyện cổ tích, truyện tranh, tập những bài hát đồng dao qua sách, đọc sách tham khảo, góp phần nâng cao việc học của mình. Người lớn thì quan tâm các sách về dịch bệnh, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...Những tủ sách của làng ngày càng mở rộng ở Quảng Điền, nhất là trong những năm trở lại đây, nhờ vào những 'bồ chữ' của làng mà học sinh đỗ đạt ngày càng nhiều. Làng nào có tủ sách phong phú, nhiều đầu sách thì y rằng số học sinh trong thôn đạt học sinh khá, giỏi càng tăng. Nhằm tăng thêm tình yêu sách, thư viện, làng Thạch Bình thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận về những cuốn sách cho thiếu nhi, phần thưởng là tác phẩm mới hoặc tập vở, hoạt động ấy khiến văn hóa đọc ở các làng quê càng sôi nổi.

Tủ sách của Thư viện Thôn Thạch Bình, Thị trấn Sịa

Một thực tế trước mắt ai cũng cảm nhận ra rằng từ khi xây dựng thư viện làng văn hóa đã tác động rất lớn đến chất lượng học tập của các em học sinh. Từ đó các bậc phụ huynh mừng vì không phải quản con trong dịp Hè. Các cháu trong thôn cũng siêng học hẳn ra, thay vì những cuộc đi chơi vô bổ như trước đây, giờ đây các cháu chú tâm vào đọc sách, tranh thủ những lúc nhàn rỗi đến thư viện để đọc và học. Từ đó trẻ em trong làng đã hình thành thói quen đọc sách, giúp chúng tránh xa các tệ nạn xã hội, nâng cao hiểu biết và sự ham học.  Phát triển văn hóa đọc là phát triển nền tri thức rộng lớn của nhận loại 'Đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường', những văn hóa trong sách sẽ  làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần và bổ sung những khiếm khuyết về tri thức do khoảng cách vùng, miền tạo ra và từ đó trình độ tri thức của người dân trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Đây là thành quả rất lớn mà hệ thống thư viện trên địa bàn huyện đang đang và sẽ mang lại cho người dân vùng trũng này. (Công Cường).

Tủ sách của thư viện Thôn An Gia đặt tại nhà riêng của người dân

 

                                                                                              

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.285.853
Truy câp hiện tại 32.598