Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Giải pháp để Quảng Điền phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang.
Ngày cập nhật 08/04/2013

             Quảng Điền là một huyện nằm trong vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với đặc điểm là địa bàn vùng trũng, hàng năm thường chịu ảnh hưởng của bão lụt, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm...đời sống của đại bộ phận người dân hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, với lợi thế là vùng đất có bề dày văn hóa, nhiều di tích lịch sử văn hóa được công nhận, xếp hạng, với chiều dài bờ biển trên 12 km và diện tích mặt nước đầm phá Tam Giang hơn 3.500 ha, với nhiều loài thủy sản nước lợ nổi tiếng...thì việc tìm ra các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển dịch vụ, du lịch của huyện nhà trong tương lai có vai trò hết sức quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xây dựng huyện Quảng Điền sớm trở thành huyện nông thôn mới.

 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa thiên Huế nói chung và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng, ngày 27 tháng 11 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1.955/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2020”. Với mục tiêu tổng quát của Đề án là “Tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung phát triển đưa đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của Tỉnh. Lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ lực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững để đến năm 2020 tạo sự thay đổi đáng kể cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đưa vùng này trở thành một trong những khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước”. Đồng thời trong mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế của đề án cũng đã nêu: “Xây dựng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế du lịch của Tỉnh”. Ngoài ra, để triển khai thực hiện tốt đề án, thì nhiệm vụ chủ yếu của đề án cũng đã nêu: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực trên cơ sở phát huy cao nhất các lợi thế của vùng đầm phá và ven biển, kết nối với du lịch Cố đô Huế để phát triển tổng hợp du lịch sinh thái, văn hoá, du lịch biển; tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng cao như hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, các trung tâm du lịch thể thao; kết nối các khu bảo tồn, làng nghề hình thành tuyến du lịch biển và đầm phá”. Có thể nói đề án này là cơ sở, là định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, mà đặc biệt trên lĩnh vực du lịch của các địa phương nằm trong vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, trong đó có huyện Quảng Điền.
Xác định là một huyện không thuận lợi về vị trí địa lý và khó khăn về tiềm lực kinh tế; đồng thời quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2020”, trong năm 2012, được sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong huyện, nền kinh tế-xã hội huyện nhà tiếp tục giữ được ổn định và có mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 15,6%, tăng 0,3% so với năm 2011. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 18,7%; dịch vụ tăng 20,8%; nông, lâm, thuỷ sản tăng 0,6%. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục có chuyển biến tích cực; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng từ 24% lên 25,1%; dịch vụ tăng từ 43% lên 45,6%; nông-ngư nghiệp giảm từ 33% xuống còn 29,3%; lĩnh vực du lịch có những chuyển động đáng kể, theo số liệu thống kê trong năm 2012, có 45 đoàn, với hơn 500 du khách tham gia tour du lịch cộng đồng “Sóng nước Tam Giang” tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, trong đó có 10 khách nước ngoài; 30 đoàn, với 150 khách nước ngoài tham gia tour du lịch "01 ngày trên phá Tam Giang" ở thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn. Ngoài ra, có hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan tại lễ hội “Sóng nước Tam Giang” và tham quan, tắm biển ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn...
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, để ngành dịch vụ du lịch phát triển thì Quảng Điền đang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng và khai thác các tiềm năng về du lịch tại địa phương, cụ thể: Hệ thống giao thông đang còn nhiều bất cập, các tuyến đường đi vào các điểm di tích lịch sử- văn hoá đang bị xuống cấp và chưa được nâng cấp, mở rộng; hệ thống giao thông, mà đặc biệt ở hai xã vùng biển bị cách trở gây khó khăn trong việc đi lại và bất tiện cho du khách khi đến tham quan ở vùng biển; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và chất lượng các sản phẩm chưa cao nên chưa đủ sức thu hút du khách; các loại hình dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí...chưa phát triển nên ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan du lịch và lưu trú của du khách. Các loại hình dịch vụ văn hoá còn nghèo nàn, chưa khai thác hết hiệu quả của các thiết chế văn hoá; đồng thời trải qua thời gian, các điểm di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn huyện đang bị xuống cấp và chưa được trùng tu, tôn tạo, khôi phục...Ngoài ra, người dân địa phương chưa có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, dịch vụ (phong cách giao tiếp, cách thức tiếp thị, bán hàng để thu hút du khách); nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang bị khai thác quá mức nên ngày càng cạn kiệt; các biện pháp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương đến với khách du lịch và mối liên hệ giữa địa phương với các Công ty lữ hành còn hạn chế. Sự kết nối giữa các địa phương trong vùng, các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hình thành tour, tuyến du lịch chưa được chú trọng. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp để khai thác tiềm năng vùng phá Tam Giang Quảng Điền còn quá khiêm tốn...
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và phát triển mạnh các loại hình du lịch ở vùng đầm phá Tam Giang; trên cơ sở Quyết định số 1.955/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2020” và định hướng phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020, trong thời gian đến chúng ta cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương. Trước mắt, cần tập trung hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết khu du lịch - dịch vụ Đông Quảng Lợi,...để có cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà hàng, nhà "chồ" và các dịch vụ vui chơi, giải trí ven phá. Tuy vậy, để thu hút các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đầu tư kinh doanh vào khu vực này thì trước hết Nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, bến thuyền, trồng rừng ngập nước...
Bên cạnh đó, quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch như: các bãi tắm và khu nghỉ dưỡng ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn để thu hút đầu tư các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các điểm vui chơi, giải trí…Đồng thời từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng các tuyến giao thông đối ngoại mang tính huyết mạch như: Nâng cấp mở rộng tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nối huyện Quảng Điền với Thành phố Huế, xây dựng cầu Vĩnh Tu qua phá Tam Giang...để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Hai là, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường du lịch, cả trong và ngoài tỉnh, cần coi trọng việc mở rộng thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch vào cuộc (doanh nghiệp đi tour; doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí...). Đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách tham quan; cần hợp tác với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt với các Công ty lữ hành hình thành các doanh nghiệp du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch vùng đầm phá Tam Giang-Quảng Điền. Đồng thời, có cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi vay vốn đầu tư đối với các dự án ưu tiên đầu tư tại các khu trọng điểm phát triển du lịch-dịch vụ Đông Quảng Lợi, vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn...; ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, xây dựng các khu du lịch - vui chơi giải trí trên địa bàn huyện nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng để làm điểm nhấn nối kết du lịch Quảng Điền với các địa phương trong tỉnh.
Ba là, phát huy truyền thống của vùng đất văn hoá, tôn tạo và phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương. Quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các đình, chùa, các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận, xếp hạng,...gắn với xây dựng nông thôn mới để hình thành các điểm dịch vụ, du lịch nhằm phục vụ tốt du khách khi đến tham quan trên địa bàn. Bên cạnh đó, chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống như: đan lát Bao La, đan lát Thủy Lập, làng rau Thành Trung, nghề nón Vân Căn, bún Ô Sa, làng hoa cây kiểng La Vân Hạ...Các nghề sản xuất những sản phẩm phục vụ ẩm thực đặc trưng như: tôm chấy, chả da, gạo đỏ, gạo thơm, bánh ướt thịt heo Phú Lễ, rau nưa, rượu Lai Hà, rượu An Thành và các món ăn, đặc sản của đầm phá Tam Giang...nhằm góp phần vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để thu hút được du khách đến tham quan du lịch trên địa bàn, ngoài việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng, phong phú, đa dạng thì giá cả của các dịch vụ phải hợp lý, bình dân, được thị trường khách nội địa tham dự kỳ nghỉ cuối tuần chấp nhận.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch để giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái trên phá và ven phá Tam Giang, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng dọc bờ biển Quảng Công và Quảng Ngạn; phát huy có hiệu quả các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, du lịch lễ hội dân gian, lễ hội “Sóng nước Tam Giang”...là những loại hình du lịch có sức cạnh tranh cao, có khả năng thu hút du khách, gắn với vui chơi, giải trí nhằm góp phần bảo tồn, tôn tạo truyền thống văn hoá đặc sắc của địa phương.
Có thể nói, phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang là hướng đi đúng và bền vững để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh chưa đánh thức của vùng đầm phá Tam Giang-Quảng Điền. Do đó, ngoài việc phát huy tốt nội lực của địa phương thì sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư hỗ trợ kinh phí và mọi mặt của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng cấp tỉnh là rất cần thiết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội để xây dựng Quảng Điền sớm trở thành huyện nông thôn mới và góp phần lâu dài trong việc tháo gỡ những vướng mắc cơ bản trong phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
                                           
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.239.200
Truy câp hiện tại 12.921