Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Điền qua 2 năm triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và đầm phá.
Ngày cập nhật 07/12/2011

           Quảng điền là một trong những huyện được thụ hưởng Đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và đầm phá (Đề án 52) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 09/4/2009 về việc phê duyệt Đề án kiểm soát Dân số vùng biển đảo, ven biển giai đoạn 2009-2020.

          Qua 2 năm triển khai đề án trên địa bàn huyện, bước đầu đã thu được những kết quả đáng phấn khởi, đã có 8/11 xã thuộc đề án và trong đó có 6 xã bãi ngang nên đề án đã có tác động mạnh mẽ đến công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao nhận thức, hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình của người dân vùng ven biển, đầm phá, giúp họ gần hơn và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình được tốt hơn.

          Hoạt động truyền thông tại cộng đồng đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề, tư vấn tại nhà, tư vấn nhóm, truyền thông lưu động...tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp họ hiểu, biết và có kỹ năng trong phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS, làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, khi sinh và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em...

Ngoài các hoạt động thường xuyên của đề án như: truyền thông tư vấn, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Trạm y tế; đến nay, tất cả 11 Trạm y tế trên địa bàn đều có Nữ hộ sinh thực hiện được các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đề án còn tổ chức các đợt truyền thông tăng cường lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình đem lại hiệu quả tích cực; số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai tăng; số lượt phụ nữ được khám, được siêu âm và điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh dục tăng; phụ nữ thuộc vùng đề án được khám phụ khoa ít nhất 5-6 lần/năm, tạo thành thói quen và trở thành nhu cầu của phụ nữ khi được thăm khám bệnh phụ khoa, khám thai; đối với bà mẹ mang thai được khám thai trên 3 lần.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện tốt đề án, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, đồng thời được sự quan tâm của Sở Y tế, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, sự nỗ lực của chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và đầm phá cùng với các đợt của chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, trong 2 năm qua, đã hoàn thành chỉ tiêu về sử dụng các biện pháp tránh thai, góp phần giảm tỷ suất sinh 0,3%o/năm và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên khoảng 3%/năm.
Ngoài ra, hoạt động của đề án còn giúp cho việc triển khai lồng ghép các hoạt động của các mô hình đạt hiệu quả cao hơn như: mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân, giúp vị thành niên, thanh niên có kỹ năng sống tốt hơn, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, tư vấn cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giúp cho việc sàng lọc sơ sinh được thực hiện thuận lợi; một số phụ nữ mang thai đã tự nguyện đến Trung tâm sàng lọc của trường Đại học Y Huế để sàng lọc trước sinh; việc tuyên truyền, tư vấn, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh cũng được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân nhằm nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai đề án cũng gặp một số khó khăn nhất định như: thời tiết không thuận lợi, việc tiếp cận với một số dân cư sống bằng nghề chài lưới, dân vạn đò thiếu thường xuyên, một bộ phận nhân dân ở vùng đầm phá còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn đẻ con trai để nối dõi, để có nhân lực lao động, khả năng truyền thông tư vấn của một số cộng tác viên Dân số-KHHGĐ còn hạn chế...đã phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của đề án.

          Để quán triệt tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ, các cấp, các ngành đã đưa chỉ tiêu về Dân số-KHHGĐ vào nhiệm vụ hoạt động hằng năm, đã phối hợp và quyết tâm khắc phục những khó khăn, tổ chức thực hiện tốt và hoàn thành kế hoạch đã đề ra, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về Dân số-KHHGĐ, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.299.630
Truy câp hiện tại 2.649