Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đổi thay ở các xã vùng biển của huyện Quảng Điền.
Ngày cập nhật 07/12/2011

            Là 2 địa phương vùng biển, trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân 2 xã vùng biển Quảng Ngạn và Quảng Công nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong phát triển kinh tế, từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới.

            Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về tăng cường công tác “dồn điền đổi thửa”, người dân của 2 xã vùng biển Quảng Công và Quảng Ngạn của huyện Quảng Điền đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa hoạc kỹ thuật và công nghệ sinh học, tạo được nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả. Nông dân đồng loạt đưa giống lúa xác nhận vào sản xuất 2 vụ, nâng năng suất từ 45 tạ/ha năm 2005 lên hơn 55 tạ/ha hiện nay; đồng thời, mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày và các loại rau quả, ớt, dưa gang, dưa hấu… phù hợp với khí hậu, thổ dưỡng, đã nâng giá trị thu nhập 1 ha canh tác từ dưới 15 triệu đồng lên trên 31 triệu đồng.

            Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp thực sự là thế mạnh của 2 địa phương vùng biển này. Bằng các nguồn vốn tự có, vốn vay và vốn kích cầu của Chính phủ, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi phương tiện đánh bắt, thay đổi phương thức đánh bắt, đảm bảo khai thác đánh bắt quanh năm, theo hướng an toàn, bền vững, đã đưa sản lượng từ 1.500 tấn/năm trước đây lên gần 3.600 tấn năm 2011. Nuôi trồng thủy sản cũng được phát huy thế mạnh, người dân chủ động được trong điều kiện tác động vì ô nhiễm môi trường; chuyển đổi phương thức và đối tượng nuôi theo hướng đa, xen, luân canh, tăng vụ…với các loại thủy sản có giá trị cao như cá dìa, cá chẽm, cá hồng, cá kình. Nhờ vậy, sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy hải sản ở 2 địa phương Quảng Công và Quảng Ngạn luôn đạt cao, với hơn 41 triệu đồng/ha. Mô hình phát triển kinh tế trang trại trên cát, nhất là mô hình nuôi lợn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Tận dụng được nguồn thức ăn phế phẩm từ đánh bắt, chế biến thủy hải sản, các hộ gia đình đã phát triển đàn lợn, với hơn 3.200 con, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
            Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng ở 2 địa phương vùng biển này không ngừng được đầu tư xây dựng, thông qua các chương trình, dự án, nguồn lực trong dân được huy động hiệu quả. Hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, trường học; các dự án tái định cư, chống xói lở bờ biển, đê ngăn mặn… đã và đang được đầu tư. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của các xã vùng biển cũng đã có những đổi thay đáng kể, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, công tác dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biển ngày càng được chú trọng.
             Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng sẵn có, 2 địa phương Quảng Công và Quảng Ngạn đã lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các loại hình dịch vụ tại khu vực trung tâm xã; mở mang các loại hình du lịch sinh thái ở các bãi tắm, củng cố các làng nghề chế biến thủy hải sản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân của người dân đạt 35 triệu đồng/năm và góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới./.
 
                                                                                                   Ngọc Kim
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.299.923
Truy câp hiện tại 2.898