Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tín hiệu vui từ làng nghề sản xuất bún bánh ở thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh.
Ngày cập nhật 21/01/2013

            Làng nghề sản xuất bún ở thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền có truyền thống từ lâu đời, tuy nhiên trong năm trước đây, nghề sản xuất bún của người dân bị mai một. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện Quảng Điền về khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, nghề làm bún, bánh của thôn ô Sa, xã Quảng Vinh được đầu tư khôi phục và từng bước phát triển, đặc biệt, năm 2012 vừa qua, huyện Quảng Điền đã đầu tư kinh phí 3,8 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước thải của làng nghề. Đồng thời, huyện Quảng Điền cũng đã hoàn thành các thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất bún, bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh, đã mang lại nhiều niềm vui, phấn khởi cho bà con làng nghề.

 

          Những ngày đầu năm 2013, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bún của ông Mai Đình Tịnh, ở thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, hiện cơ sở sản xuất bún của ông sản xuất bình quân mỗi ngày khoảng 500 kg bún tươi và bún khô. Sau khi trừ các khoảng chi phí, gia đình ông thu lãi từ 200 đến 250 nghìn đồng/ngày. Trước đây, cơ sở sản xuất của ông sản xuất với quy mô nhỏ lẽ, mang tính thủ công, nhưng từ năm 2010, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của UBND huyện Quảng Điền, gia đình ông đã đầu tư thêm kinh phí để mua sắm hệ thống dây chuyền máy móc làm bún hiện đại, sợi bún sản xuất ra đẹp và thơm ngon hơn quy trình làm bún thủ công, bún sản xuất ra từng bước đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trên địa bàn thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh hiện có 6 hộ gia đình sản xuất bún, bánh với quy mô máy móc hiện đại như: hộ gia đình ông Nguyễn Hiệu, Lê Diện, Nguyễn Thượng, Nguyễn Hiếu... Hiện toàn thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh có 71 hộ gia đình chuyên tham gia sản xuất bún, với 80 lao động thường xuyên và thời vụ. Các hộ gia đình sản xuất bún nhỏ lẽ bình quân mỗi ngày sản xuất từ 30 đến 100 kg bún.

            Theo ước tính, trong năm 2012 vừa qua, tổng thu nhập từ nghề sản xuất bún của thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh hơn 5,5 tỷ đồng, chiếm 57,2% tổng giá trị sản xuất của làng. Lãi từ nghề bún đạt hơn 2,2 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng thu nhập của toàn thôn. Bên cạnh nâng cao thu nhập cho người dân, làng nghề sản xuất bún Ô Sa đã từng bước giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, nhất là thời gian nông nhàn sau mỗi mùa vụ. Ngoài ra, bà con nông dân của làng nghề còn tận các phụ phẩm từ việc sản xuất bún để phát triển nghề chăn nuôi lợn nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.

            Trước đây, trong quá trình sản xuất, người dân làng nghề Bún Ô Sa, xã Quảng Vinh thường xuyên đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của việc sản xuất bún. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, người dân đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục tại gia đình, nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Để đảm bảo đủ tiêu chí được công nhận làng nghề theo quy định của các cấp là môi trường phải trong lành, trong năm 2012, UBND huyện Quảng Điền đã đầu tư kinh phí 3,8 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất bún của làng nghề Ô Sa. Trong năm 2013, huyện Quảng Điền tiếp tục hỗ trợ kinh phí để các hộ tham gia sản xuất làng nghề xây dựng hầm khí sinh học BIOGA nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại làng nghề. Được biết tổng nguồn kinh phí để thực hiện dự án cải thiện môi trường ở làng nghề sản xuất bún Ô Sa là 4,7 tỷ đồng.

            Khi môi trường sản xuất của làng nghề được cải thiện, bà con nhân dân làng nghề có thể mở rộng quy mô sản xuất nhiều hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, UBND huyện Quảng Điền đã hoàn tất các thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận làng sản xuất bún Ô Sa, xã Quảng Vinh là làng nghề của địa phương. Bà con làng nghề hiện rất vui mừng và phấn khởi khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề bún Ô Sa, gắn với việc được công nhận thương hiệu sảm phẩm, khi đó các sản phẩm bún, bánh của người dân làng nghề sản xuất ra sẽ được tiêu thụ thuận lợi hơn, được nhiều người dân trong huyện, các huyện lân cận biết đến, đồng thời để những người dân làng nghề sống được với chính nghề truyền thống của địa phương, cũng như góp phần gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông đã để lại./.

                                                            Thực hiện: Ngọc Kim  

                                                                       

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.256.515
Truy câp hiện tại 26.426