Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII)
Ngày cập nhật 11/12/2012

 

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của từng địa phương và thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được ổn định, giữ vững.

 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) ngày 20/12/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện của các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp. Đến nay, tất cả 102/102 làng, thôn trên địa bàn đã đăng ký xây dựng đơn vị hóa, đến hết năm 2012 đã có 97/102 làng, thôn được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 95%; trong đó có 22.169/23.019 hộ đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, trong đó năm 2012 có 20.247 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 90,1%; đồng thời có 97 cơ quan, trường học tổ chức đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, trong đó có 87 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đạt chuẩn đơn vị văn hóa, đạt tỷ lệ 89%.
Qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, duy trì trật tự an toàn xã hội. Nét nổi bậc của phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã gắn chặt với phong trào khuyến học, góp phần không nhỏ vào việc phát triển lĩnh vực giáo dục đào tạo ở địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 102/102 thôn thành lập được Chi hội khuyến học, 100 ban khuyến học dòng họ, 53 chi hội khuyến học cơ quan, trường học; 11/11 xã, thị trấn có Hội khuyến học duy trì hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được toàn thể nhân dân đồng tình ủng hộ, từ đó đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, bản sắc vùng miền được phát huy, kế thừa và phát triển thuần phong mỹ tục. Thông qua việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã xây dựng được những tập quán mới tốt đẹp như tự nguyện đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, việc tang được tổ chức nề nếp hơn, thể hiện tình làng nghĩa xóm, tương trợ giúp nhau khi khó khăn hoạn nạn.
Ngoài ra, phong trào “Phòng chống tệ nạn xã hội” được đẩy mạnh, phần lớn các địa phương, đơn vị đã đăng ký xây dựng và được công nhận đơn vị văn hóa, các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình, số người vi phạm pháp luật…giảm mạnh; đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của người dân về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lành mạnh ở khu dân cư.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của người dân ngày càng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, tổ hòa giải ở các làng văn hóa được thành lập và hoạt động có hiệu quả, đã góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bất hòa xảy ra ngay tại cộng đồng dân cư.
Hàng năm, đã duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở để phục vụ nhân dân một cách thường xuyên, có hiệu quả. Một số hoạt động được phối hợp tổ chức có tầm ảnh hưởng rộng như: Lễ hội sóng nước Tam Giang 2010, 2012, Làng vui chơi - Làng ca hát ở Quảng Thành, Làng Việt ở Quảng Phú. Đặc biệt là thông qua ngày lễ của dân tộc như Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, hầu hết các làng, thôn đều đã tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Các hoạt động lễ hội truyền thống được duy trì và phát triển, như: Vật ở làng Thủ Lễ; Hội Cầu ngư ở Quảng An, Quảng Công; Hội xuống đồng ở hầu hết các xã trong huyện; Hội đu tiên ở thị trấn Sịa, Quảng Thọ; các loại hình văn hóa phi vật thể được sưu tầm, phục hồi và dàn dựng tại các chương trình văn nghệ quần chúng ở địa phương như Hò bã trạo ở Quảng Phước, thị trấn Sịa; Hò giã gạo ở Quảng Thành, Quảng Phú; khôi phục làn điệu “Múa Náp” ở Tân Mỹ, Quảng Ngạn ...
Phong trào đọc sách báo ngày càng được nhân rộng dưới nhiều hình thức và thông qua hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Thư viện Nguyễn Chí Thanh hiện có 11.994 đầu sách, với 15.979 bản sách và đã phát huy có hiệu quả trong việc phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, nhân dân, học sinh trên địa bàn; đặc biệt có hơn 100 bản sách giới thiệu về phong tục, tập quán, lễ nghi của 54 dân tộc của Việt Nam. Một số xã đã và đang hình thành mô hình thư viện của xã, thôn. Đến nay, toàn huyện có 21 thôn có tủ sách, thư viện của các làng văn hóa, với tổng số gần 8.000 bản sách, tiêu biểu là Thư viện làng văn hóa Thạch Bình (thị trấn Sịa) có 3.200 bản sách báo các loại phục vụ nhân dân, học sinh trong thôn.
Hoạt động thể dục thể thao được chú trọng, duy trì tổ chức định kỳ các kỳ Đại hội Thể dục thể thao huyện và cơ sở; tổ chức các Hội thi, Hội thao, các giải thể thao hàng năm như: Bóng chuyền, Bóng đá, Việt dã, Cầu lông... Ngoài ra, các loại hình thể thao truyền thống cũng được duy trì và phát triển như: Vật Thủ Lễ, Đua ghe... tạo không khí vui tươi trong các ngày lễ, hội của quê hương; tổ chức và hướng dẫn các địa phương hình thành và duy trì các loại hình câu lạc bộ thể dục thể thao như: câu lạc bộ Võ thuật Karatedo, Tewondo, Thiếu lâm nam sơn, câu lạc bộ Vật trong các trường THCS, câu lạc bộ dưỡng sinh dành cho người cao tuổi... Ngoài ra, qua các phong trào đã phát hiện, bồi dưỡng và cung cấp vận động viên các bộ môn: Vật, bơi lội cho tỉnh. Phong trào thể dục thể thao ở cơ sở ngày càng được đẩy mạnh, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Thông qua các ngày lễ, hội... các địa phương đều tổ chức đã kích thích được phong trào thể dục thể thao trong quần chúng và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Đến nay đã có 16,1 % số dân luyện tập thể thao thường xuyên.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc được chú trọng. Đến nay, toàn huyện có 09 di tích được công nhận, trong đó: 03 di tích cấp quốc gia (Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Miếu-Mộ Đặng Hữu Phổ, Đình Thủ Lễ); 06 di tích cấp tỉnh (Địa điểm tổ chức Hội nghị Nam Dương, Đình Thủy Lập, Chùa Thành Trung, Chùa Thiện Khánh, Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, Chùa Thủ Lễ). Công tác trùng tu di tích được chú trọng, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm qua đã tiến hành trùng tu, tôn tạo Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ để phục vụ tốt cho nhu cầu tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; đã trùng tu, tôn tạo di tích Đình Thủ Lễ; khu vực lăng mộ Đặng Hữu Phổ. Xúc tiến triển khai xây dựng nhà bia tại di tích Địa điểm tổ chức Hội nghị Nam Dương.
 Đồng thời, đã tổ chức tốt đợt phát động sưu tầm hiện vật văn hóa, lịch sử trong 02 cuộc kháng chiến, hiện vật của nền nông nghiệp lúa nước trên địa bàn huyện để bổ sung vào phòng Truyền thống của huyện, tiến tới hình thành, xây dựng Bảo tàng tổng hợp của huyện. Qua đợt phát động, các địa phương, đơn vị đã sưu tầm được 348 hiện vật bao gồm: 174 hiện vật lịch sử, văn hóa; 59 hiện vật kháng chiến và 115 hiện vật của nền nông nghiệp lúa nước. Trong đó các cá nhân, gia đình đã tự nguyện hiến tặng 157 hiện vật (số hiện vật này đã tập hợp tại phòng Truyền thống của huyện). Đồng thời, đã tổ chức sưu tầm và in, đóng thành tập các hương ước cổ của các làng trong huyện để bổ sung vào nguồn tư liệu của phòng Truyền thống huyện, bao gồm: Điều lệ Đông Xuyên 1847; Điều lệ An Gia 1882; Khoán Lệ Phong Lai 1902; Khoán từ Lai Xá 1916; Điều lệ xã Cổ Tháp 1922; Điều lệ Thủ Lễ 1925. 
Có thể nói, qua 15 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đi sâu vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của từng địa phương và thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trong được tăng cường, làm thay đổi bộ mặt từng làng, thôn, cơ quan, đơn vị...Ở những cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng văn hóa có những chuyển biến về nhiều mặt, nhất là trong tư tưởng đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm và kỷ luật lao động được nâng lên đáng kể (HTN).
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.802.899
Truy câp hiện tại 2.572