Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hiệu quả của công tác cho hộ nghèo mượn vốn trên địa bàn
Ngày cập nhật 05/11/2014

              Cho hộ nghèo mượn vốn phát triển sản xuất là chủ trương được Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai từ năm 2010. Qua gần 5 năm triển khai trên địa bàn huyện Quảng Điền, chương trình này đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

               Số liệu thống kê từ Ủy ban Mặt trận huyện Quảng Điền cho thấy từ năm 2010 đến nay, thông qua kênh của Ủy ban Mặt trận đã giải ngân 1 tỷ 201,5 triệu đồng cho 502 hộ nghèo mượn vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó nguồn vốn từ quỹ vì người nghèo tỉnh: 400 triệu/145 hộ; quỹ vì người nghèo huyện 550 triệu/241 hộ; quỹ vì người nghèo cấp xã, thị trấn 251,5 triệu/116 hộ. Nguồn vốn cho mượn trong thời gian 2 năm với mức bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng, đa số các hộ nghèo mượn vốn chủ yếu đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng, trâu bò; mua vật tư nông nghiệp,  buôn bán dịch vụ… Sau 2 năm, nguồn vốn này được thu hồi và tiếp tục cho các hộ gia đình nghèo khác mượn quay vòng, ngoài 502 hộ nghèo được mượn vốn ban đầu đã luân chuyển thêm cho 215 lượt hộ nghèo khác được mượn vốn.

              Sau gần 5 năm triển khai mô hình cho hộ nghèo mượn vốn đã đem lại những kết quả nhất định, nguồn vốn cho mượn của Ủy ban Mặt trận cùng với các nguồn vốn vay ưu đãi khác thông qua các tổ chức đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ…, đã góp phần giúp đỡ, động viên hộ nghèo đầu tư sản xuất, chăn nuôi tạo thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống. Qua kiểm tra, trong tổng số 502 hộ nghèo mượn vốn từ các nguồn của tỉnh, huyện, xã; đã có 291 hộ làm ăn có hiệu quả, 90 hộ trong diện hộ nghèo các năm trước nay đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo làm ăn rủi ro không trả được vốn hoặc trả chưa đúng hạn vẫn có nhưng không đáng kể.

              Một số hộ đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn vào lĩnh vực chăn nuôi như vỗ béo trâu bò, nuôi lợn nái, gà công nghiệp, vịt đàn…tuy lợi nhuận chưa cao lắm do nguồn vốn đầu tư ít nhưng phần nào cũng đã cải thiện được đời sống cho các hộ nghèo. Từ nguồn vốn được mượn, kết hợp thêm nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, một số hộ đã đầu tư chăn nuôi có hiệu quả, tiêu biểu là Hộ anh Nguyễn Văn Tường ở thôn Mỹ Xá (xã Quảng An) đã đầu tư chăn nuôi gà, lợn bằng chế phẩm sinh học và anh Trần Văn Tuấn (Quảng An) chăn nuôi trâu bò vỗ béo đã có hướng thoát nghèo bền vững. Hộ ông Nguyễn Hữu Phong, thôn Phò Nam B, Quảng Thọ cũng đã đầu tư chăn nuôi gia súc và đã đạt được những kết quả nhất định. Với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là hỗ trợ thêm nguồn vốn để các hộ dân nuôi cá lồng trên sông, trên phá, tiêu biểu có các hộ ông Hồ Thắng, Hồ Gạch ở thôn Hà Công, Quảng Lợi; Hộ ông Nguyễn Bán ở thôn Cư Lạc; hộ ông Cao Quý ở thôn Phước Yên, Quảng Thọ. Còn lại đa số các hộ gia đình được mượn vốn đều đầu tư để mua thêm phân bón, thuốc trừ sâu… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lúa, hoa màu, cải thiện cuộc sống. Một số hộ được mượn vốn đã đầu tư thêm vào lĩnh vực kinh doanh buôn bán nhỏ ở hộ gia đình, kết quả khá khả quan, tiêu biểu có hộ bà Nguyễn Thị Phương (thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi); hộ bà Chế Thị Hoa (thôn Lương Cổ, Quảng Thọ)…

              Có thể nói, mô hình hỗ trợ “cho hộ nghèo mượn vốn để phát triển sản xuất” đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện chủ trương đúng đắn, cách làm hay, đặc biệt phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo đang còn khó khăn về vốn. Nếu như tăng thêm nguồn vốn cho nhiều hộ nghèo được mượn, gia hạn thời gian cho mượn dài hơn đối với những loại hình sản xuất chăn nuôi cần nhiều thời gian thì chắc chắn rằng hiệu quả thu được từ chủ trương “cho hộ nghèo mượn vốn để phát triển sản xuất” sẽ càng phát huy hiệu quả, sẽ có thêm nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững./.

 

                                                                                                                        Phương Linh

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.305.077
Truy câp hiện tại 6.290