Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình khuyến nông
Ngày cập nhật 27/08/2014

             Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, từ nguồn kinh phí sự nghiệp của huyện và từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các mô hình đều mang lại hiệu quả, nhưng không được nhân rộng do khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. 

             Trong năm 2013 vừa qua, từ nguồn kinh phí sự nghiệp của huyện, phòng Công Thương huyện Quảng Điền đã chủ trì triển khai mô hình trồng rau mùi sạch, với quy mô 0,15 ha, 6 hộ dân của thôn An Gia, thị trấn Sịa tham gia. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau mùi sạch. Sau 45 ngày đưa vào trồng, mỗi sào hành lá lãi gần 5,5 triệu đồng/sào, riêng cây ngò lãi 3,2 triệu đồng/sào. Theo các hộ dân tham gia mô hình cho biết:  Hành, ngò là 2 loại cây khá dễ trồng. Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau mùi sạch mang lại cao hơn so với các loại cây trồng khác nhưng đầu ra không ổn định nên các hộ dân không thể mở rộng diện tích.

            Đối với lĩnh vực thuỷ sản, để đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, năm 2013, Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện đã triển khai mô hình nuôi cá lăng nha xen cá trắm cỏ, với diện tích thực hiện  2.000 m2, tại xã Quảng Thọ. Có 2 hộ tham gia mô hình và mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu. Nhưng thị trường tiêu thụ cá lăng nha vẫn hết sức khó khăn do người dân còn e ngại, chưa mạnh dạng sử dụng cá lăng nha làm thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Triển khai mô hình nuôi tôm xen cá đối, trên diện tích thực hiện 1,5 ha, tại 3 xã Quảng Công, Quảng An và Quảng Phước. Tổng giá trị cá đối của 3 hộ thu nhập là 51,7 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

             Ngoài ra, trong thời gian qua, được sự quan tâm của huyện, tỉnh, nhiều mô hình khuyến nông được đưa vào thử nghiệm và mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong đó, phải kể đến các mô hình khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao, nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, mô hình sản xuất nấm rơm và phân bón hữu cơ tại nông hộ... Sau khi đưa vào thử nghiệm và mang được hiệu quả, các hộ dân đã nhân rộng mô hình. Kết quả không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mà còn tạo nên sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền địa phương như: Mô hình trồng rau mầm trên giá thể được triển khai năm 2010 tại hộ chị Phan Thị Bê, thôn An Gia, thị trấn Sịa. Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện về kinh phí đầu tư cơ sở, hạt giống và tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chị Bê triển khai xây dựng mô hình trồng rau trên giá thể, xây dựng thương hiệu rau mầm sạch Nguyên Dương. Ban đầu, sản phẩm làm ra cung cấp cho các siêu thị và nhà hàng trên địa bàn nên đầu ra tương đối ổn định. Gần đây, cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng do không có thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân do nhu cầu của thị trường về rau mầm rất ít nên khi sản xuất ra không thể bán được.

              Cùng với các mô hình được triển khai từ nguồn kinh phí của huyện, trong năm 2013, huyện Quảng Điền cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án để triển khai các mô hình như: Phục tráng và mở rộng diện tích Lúa địa phương (gạo đỏ) với qui mô 02 ha, thực hiện tại ô Cồn Giá thuộc HTXNN Tam Giang, trên chân đất ô trũng không thể trồng lúa nông nghiệp được. Với 20 hộ tham gia. Năng suất đạt 2,8 tấn/ha. Mặc dù năng suất thấp, nhưng nông dân vẫn có lãi do chi phí đầu tư thấp. Hơn nữa, đã tận dụng được đất đai bỏ hoang để sản xuất. Do vậy, nếu có thị trường đầu ra ổn định thì sản xuất gạo đỏ sẽ đem lại lợi nhuận cao và cung cấp cho thị trường một sản phẩm gạo an toàn. Trong vụ sản xuất Đông Xuân 2013 - 2014, huyện Quảng Điền tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình này. Ngoài ra, Mô hình nhân giống lạc mới vụ Hè thu tại Quảng Phú; mô hình nuôi trồng nấm sò bằng nguyên liệu mùn cưa tại xã Quảng Phú; mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen ở xã Quảng Thọ cũng được triển khai thực hiện.

           Hầu hết các mô hình khuyến nông trên địa bàn huyện Quảng Điền đều triển khai thực hiện có hiệu quả, nhưng rất khó nhân rộng do thị trường đầu ra không đảm bảo, vì vậy người dân không mạnh dạn đầu tư sản xuất. Để nâng cao hiệu quả các mô hình khuyến nông, các đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật cần xem xét điều kiện thực tế ở cơ sở, đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi và phải dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ khuyến nông cơ sở để đáp ứng yêu cầu chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

            Theo Trạm khuyến nông - lâm ngư huyện Quảng Điền cho biết, khi triển khai mô hình, các hộ nông dân đều được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật. Do đó, xuất hiện tư tưởng ỷ lại và trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nên sau khi kết thúc dự án, họ không tiếp tục bỏ vốn sản xuất. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ảnh hưởng đến việc nhân rộng các mô hình như: cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và yếu kém, nông dân gặp khó khăn khi mua giống do việc thông tin thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm vẫn rất khó khăn.

            Để các mô hình khuyến nông ở huyện Quảng Điền có hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi các đơn vị khi xây dựng mô hình cần gắn với thị trường, tạo được mối liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần chú ý tính hiệu quả và thiết thực của mô hình, để mô hình khuyến công thực sự là động lực cho phát triển kinh tế của huyện, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của huyện./.              

                                                                                               

                                                                                    Thực hiện: Ngọc Kim

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.323.836
Truy câp hiện tại 18.596