Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thành tựu phát triển kinh tế xã hội năm 2008 và định hướng năm 2009 ở huyện Quảng Điền.
Ngày cập nhật 04/02/2009

Bước vào năm 2008, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, thử thách. Hậu quả nặng nề của những trận lũ lớn liên tiếp cuối năm 2007; tình hình rét đậm, rét hại kéo dài đã làm thiệt hại khá lớn cho ngành nông nghiệp. Tiếp đến, hai đợt dịch tai xanh đã tiêu hủy 13.248 con lợn. Dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch tả ở vịt, dịch đốm trắng ở tôm, bệnh rận cá... cũng phát sinh và diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, tình hình giá cả các mặt hàng biến động theo hướng bất lợi do ảnh hưởng của lạm phát gây cản trở lớn cho nông nghiệp-nông thôn-nông dân, cho nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản, làm năng lực đầu tư của một số thành phần kinh tế bị chững lại và có chiều hướng giảm xuống.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, tuy vậy, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp, các ngành; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, quân và dân trong huyện nên việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng và có bước chuyển dịch theo hướng tích cực về cơ cấu kinh tế. Tổng giá trị sản xuất (GO-theo giá so sánh) ước 615.698 triệu đồng, đạt 94,4% kế hoạch và tăng 11,09% so với năm 2007. Cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông - lâm-thuỷ sản trong tổng giá trị sản xuất chiếm 44,7%, giảm 1,7%; tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 20,9%, tăng 0,8% và dịch vụ chiếm 34,4%, tăng 0,9% so với năm 2007. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo cơ cấu giá trị sản xuất, so với năm 2007, tỷ trọng lao động ngành nông-lâm-thuỷ sản giảm từ 54,7% xuống còn 53%; tiểu thủ công nghiệp-xây dựng tăng từ 14,3% lên 14,8%; dịch vụ tăng từ 31% lên 32,2% trong tổng số lao động. Thu nhập bình quân đầu người 6,45 triệu đồng, đạt 92,1% kế hoạch, tăng 5,7% so với năm 2007.

Trong sản xuất nông nghiệp, đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất. Trong đó, đã  chuyển đổi 23,1 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thực phẩm; đã đưa giống xác nhận vào gieo cấy lên trên 95% diện tích; mở rộng vùng chuyên canh rau lên 120 ha; triển khai dự án làng nghề trồng hoa, cây kiểng ở thôn La Vân Hạ... góp phần làm cho giá trị sản lượng bình quân trên 01 ha canh tác trong ngành trồng trọt theo giá thực tế đạt 58,6 triệu đồng, tăng 23,4 triệu đồng so với năm 2007. Kinh tế trang trại, gia trại cũng có những chuyển biến nhất định. Đến nay, toàn huyện có 51 trang trại đạt tiêu chí, tăng 09 trang trại; có 253 gia trại chăn nuôi, tăng 24 gia trại so với năm 2007. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở vùng nước lợ tiếp tục được phát triển theo hướng giảm diện tích nuôi chuyên tôm và tăng diện tích nuôi chuyên cá hoặc nuôi xen ghép tôm - cá, cua (diện tích nuôi xem ghép chiếm 65,5%), đặc biệt đã mở rộng mô hình nuôi cá chẽm lên hơn 16 ha; nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt đã khẳng định được hiệu quả và từng bước nhân rộng.

Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trong đó đã lập quy hoạch chi tiết cụm tiểu thủ công nghiệp An Gia, với 16,5 ha và đang xây dựng hạ tầng (giai đoạn 1) với 1,1 ha; đang xúc tiến khảo sát quy hoạch khu công nghiệp Quảng Vinh, với quy mô trên 200 ha; tiếp tục khôi phụ các làng nghề truyền thống như: Đan lát Bao La, Thủy Lập, bún Ô Sa; đồng thời từng bước hình thành các làng nghề mới, như: Làng trồng hoa, cây kiểng ở La Vân Hạ, làng thêu ở An Xuân, An Gia, làng xây dựng Uất Mậu, Vân Căn,...Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng lên đáng kể. Nhiệm vụ xây dựng cơ bản được chú trọng, phần lớn các công trình xây dựng trong kế hoạch đã được triển khai, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và phục vụ cho dân sinh. Kinh tế nhiều thành phần và quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố và có chiều hướng phát triển.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt. Ngành giáo dục có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng dạy và học. Hệ thống trường lớp được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và tầng hóa. Các chương trình y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện tốt hơn. Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được nâng cao. Chương trình quốc gia về dân số tiếp tục có nhiều chuyển biến. Công tác chăm sóc và bảo vệ  trẻ  em được chú trọng. Hoạt động văn hóa, thông tin-thể dục thể thao  và phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, đến nay đã có 81,3% làng và 82,2% cơ quan đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Toàn huyện có trên 98% số hộ có nhà kiên cố, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,4%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15%. Việc giải quyết các vấn đề xã hội bức bách được quan tâm, trong đó đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho 03 khu định cư và hoàn thành định cư dân thủy diện cho 139 hộ dân, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 156 hộ nghèo.

Nhiệm vụ quốc phòng-an ninh được tăng cường, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đã coi trọng và đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nhằm từng bước nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh. Công tác cải cách hành chính và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, có mặt thiếu vững chắc. Năng lực sản xuất mới tăng thêm chưa nhiều. Việc triển khai các chương trình kinh tế trọng điểm còn thiếu tích cực và chưa đồng bộ. Chất lượng giáo dục-đào tạo chưa đồng đều; phổ cập bậc trung học đạt kết quả thấp. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững chắc, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao (28,8%). Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân một số nơi chưa thực sự vững chắc. Trật tự xã hội có mặt, có nơi còn diễn biến phức tạp, vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định chính trị. Công tác quản lý nhà nước các cấp có mặt còn lơi lỏng, nhất là lĩnh vực đất đai và đô thị. Cải cách hành chính ở một số khâu chuyển biến chưa mạnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi chưa nghiêm.

Xác định năm 2009 là năm kề cuối của kỳ kế hoạch 2006-2010. Để tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI và Nghị quyết của HĐND huyện, năm 2009 cần tập trung sức lực và trí tuệ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng điểm và các công trình, dự án quan trọng đã xác định, trước hết tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phát triển mạnh nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung khôi phục đàn lợn, nhất là lợn nái sau dịch bệnh tai xanh. Nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất. Đẩy mạnh việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng. Thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác để hình thành trang trại tổng hợp ở vùng đồng bằng. Tiếp tục giảm mạnh diện tích nuôi chuyên tôm sú để chuyển sang nuôi chuyên cá hoặc nuôi xen ghép tôm-cá nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và từng bước nuôi trồng theo hướng bền vững; phát triển mạnh nuôi cá nước ngọt ở những vùng có điều kiện. Hoàn thành lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản cố định trên phá Tam Giang.

Hai là, tạo chuyển biến mạnh trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tăng tỷ suất hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ để tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế và phân công lao động trong nông thôn. Phát triển doanh nghiệp và doanh nhân đủ năng lực để tạo động lực cho phát triển kinh tế. Đầu tư kiến thiết cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển làng nghề, dịch vụ và một số cụm công nghiệp.

Ba là, nâng cao hiệu quả khai thác và bồi dưỡng nguồn thu, trong đó chú trọng nguồn thu ngoài quốc doanh, thu tiền cấp quyền sử dụng đất, phí - lệ phí. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách theo dự toán. Triển khai có hiệu quả Đề án thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính và tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bốn là, Thực hiện tốt công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư, trong đó chú trọng các quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm “Nhân dân và nhà nước cùng làm”, huy động nội lực và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm và yêu cầu bức bách, như giao thông, thủy lợi, hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - làng nghề và một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng khác như trường học, trạm y tế. Đẩy nhanh tốc độ chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư để phát triển vùng động lực thị trấn Sịa, khu trung tâm xã Quảng Thành, xã Quảng Vinh, xã Quảng Phú; đầu tư để hình thành rõ nét khu trung tâm của các xã Quảng An và Quảng Thọ; từng bước phát triển vùng đô thị dịch vụ tổng hợp và du lịch sinh thái biển, đầm phá xã Quảng Ngạn, xã Quảng Công.

Năm là, tạo chuyển biến tích cực trên lĩnh vực văn hóa-xã hội. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thực hiện tốt việc giáo dục toàn diện cho học sinh và coi trọng giáo dục mũi nhọn. Hoàn tất thủ tục đề nghị UBND tỉnh thành lập trường Trung cấp nghề. Thực hiện tốt và có hiệu quả công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án vận động “thực hành tiết kiệm chống lãng phí để lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng”. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức bách về lao động và việc làm, xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tạm cho hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Sáu là, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững sự ổn định về chính trị. Thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu” và “phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Coi trọng nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, công an nhân dân vững mạnh. Đẩy mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bảy là, là địa phương vùng thấp trũng, ven biển, nằm hạ lưu các con sông nên hàng năm thường chịu tác động trực tiếp của lụt bão. Do vậy, phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “5 tại chỗ”; trong đó coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với truyền thống đoàn kết, đồng lòng, đồng sức và cố gắng mọi nỗ lực để vượt qua khó, thử thách, toàn quân và toàn dân huyện Quảng Điền sẽ quyết tâm hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, góp phần quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đã quyết nghị.

                                                                        Cao Xuân Phụ

                                                        (Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.305.379
Truy câp hiện tại 6.550