Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa.
Ngày cập nhật 24/01/2009

              Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc...Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Do đó xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa là vấn đề ngày càng có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Biểu tượng đặc trưng của văn hóa gia đình được thể hiện qua thuần phong mỹ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình. Sống có tôn ti trật tự, biết giữ gìn phẩm giá gia phong, biết đoàn kết đùm bọc thương yêu nhau, biết "thương người như thể thương thân" v.v...

Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những công tác trọng tâm hiện nay, đây là cuộc vận động cách mạng rộng lớn, toàn diện và triệt để nhằm "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển...".

Xây dựng gia đình văn hoá là một nội dung quan trọng của  phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bởi vì gia đình là tế bào của xã hội, là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Gia đình có chức năng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, chính vì vậy, phải có những con người tốt trong gia đình thì mới có gia đình tốt và có gia đình tốt mới có xã hội tốt. Có thể ví rằng: gia đình đối với xã hội, với con người, như không khí cần cho sự sống, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tuy vậy, một số gia đình hoặc thành viên trong gia đình chưa nhận thức hết ý nghĩa và tầm quan trọng của tổ ấm gia đình, chưa quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng gia đình phát triển toàn diện. Nhiều lúc, mãi chạy theo vòng xoáy của cơ chế thị trường và coi nhẹ các thang giá trị đạo đức xã hội, vi phạm luật pháp, không quan tâm đến việc giáo dục và chăm lo chuyện học hành của con cháu. Một số bậc ba mẹ thiếu gương mẫu nên đã tạo nên gương xấu cho con. Gia đình không còn là tổ ấm cho mỗi con người và trở thành lực cản cho sự phát triển chung của xã hội.

            Có thể nói Quảng Điền là địa phương triển khai khá sớm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Từ thôn đầu tiên Tây Thành, xã Quảng Thành   đến nay tất cả 102/102 thôn, làng và 92/92 cơ quan, đơn vị, trường học đã đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá, trong đó có 67 cơ quan, đơn vị và 77 làng, thôn đã được các cấp công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hoá. Đặc biệt trên toàn huyện đã có 19.302/19.505 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá trong đó 18.904/19.302 hộ được công nhận gia đình văn hoá. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động khác, tạo nên những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Diện mạo đời sống trong nhân dân ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, lĩnh vực văn hoá, xã hội thu được nhiều kết quả, thế trận lòng dân được vun đắp vững chắc, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường.

            Từ thực tế cho thấy sự phát triển của phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã tác động tích cực và tạo cơ sở vững chắc để xây dựng làng, thôn văn hoá, khu dân cư tiên tiến và các danh hiệu của phong trào thi đua do các ngành, đoàn thể và địa phương phát động như: Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Cựu chiến binh gương mẫu"... Sự đồng tình hưởng ứng và lan toả của phong trào đã thu hút hàng nghìn hộ gia đình thường xuyên tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng gia đình văn hoá tại các câu lạc bộ gia đình văn hoá, câu lạc bộ gia đình nông dân văn hoá ở trên địa bàn 11 xã, thị trấn.

         Thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân. Một trong những nhân tố làm nên kết quả đó, chính là cán bộ và nhân dân trên toàn huyện đã thực hiện đúng đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Là mãnh đất vốn có truyền thống anh hùng và cách mạng, qua thời gian, truyền thống đó được phát huy cao độ thông qua việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng đơn vị, địa phương. Trong điều kiện phức tạp của cơ chế đối với thời kỳ mở cửa, nhiều luồng thông tin khác nhau, tuy vậy cán bộ và nhân dân toàn huyện luôn biết chọn lọc tiếp thu cái mới, cái đúng, nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ việc chấp hành đúng đường lối, chủ trương và pháp luật là thực hiện và đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đem lại sự ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người, mọi gia đình.

            Đi đôi với việc thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện quy ước làng văn hoá được nhiều gia đình quan tâm và trở thành nếp sinh hoạt văn hoá trong từng gia đình. Nhiều gia đình xem việc thực hiện quy ước làng văn hoá là trách nhiệm và nghĩa vụ, từ đó thường bảo ban dặn dò con cháu, các thành viên trong gia đình chấp hành tốt các quy định của làng, thôn đặc biệt là việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan văn hoá, đóng góp nghĩa vụ, sinh hoạt lễ hội...Nhiều hộ gia đình khi có dấu hiệu vi phạm quy ước làng văn hoá như để đám tang quá thời gian quy định, tổ chức lễ hội gia đình, dòng tộc... đều trình bày với Ban cán sự thôn hoặc làm đơn xin phép chính quyền địa phương trước khi thực hiện, nhờ vậy, kỷ cương nề nếp trong cộng đồng dân cư được duy trì, việc thực thi pháp luật được giữ vững, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xây dựng gia đình văn hoá ở Quảng Điền đã có sự gắn kết với phong trào xây dựng gia đình hiếu học với mục tiêu  xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở, xây dựng gia đình văn minh - hạnh phúc, phát huy truyền thống hiếu học của địa phương, bảo đảm ai cũng được học hành; tạo động lực để khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ  truyền thống hiếu học trong toàn dân để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Con số 3.669 gia đình đạt danh hiệu “gia đình hiếu học”, trong đó có 747 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học xuất sắc đã minh chứng cho điều này.

            Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hoá và xây dựng làng văn hoá, nhiều công trình kiến trúc văn hoá tâm linh và di tích lịch sử được tôn tạo, tùng tu, sửa chữa. Nhờ đó, cảnh quan văn hoá được khởi sắc, tạo nên diện mạo mới ở nông thôn. Đa phần kinh phí tùng tu, tôn tạo các di tích này đều do nhân dân tự nguyện đóng góp, trong đó có phần không nhỏ của con cháu dân làng ở phương xa, điều này góp phần củng cố và gắn bó truyền thống đoàn kết và tạo nên nét sinh hoạt văn hoá lành mạnh trong nhân dân.

            Gia đình là tế bào của xã hội, là tổng hợp các quan hệ giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Muốn có xã hội tốt phải có gia đình tốt, chính vì vậy, xây dựng gia đình văn hoá chính là góp phần xây dựng một xã hội văn minh hạnh phúc. Tin chắc rằng, trong thời gian tới nhất định Quảng Điền sẽ đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng và ngày càng hoàn thiện mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu./.

                                                                    Thanh Phượng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.302.289
Truy câp hiện tại 4.458