Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Quảng Vinh sau 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Ngày cập nhật 05/10/2008

Đối với xã Quảng Vinh huyện Quảng Điền, sau 10 năm  thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy và khơi dậy tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm của nhân dân, huy động được nội lực trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 

Có thể khẳng định qua 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra”, các hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp trên địa bàn xã được coi trọng và phát huy, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được tôn trọng; người dân nhận thức đầy đủ hơn về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tham gia phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

            Những kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại xã Quảng Vinh đã đảm bảo các yêu cầu, đó là: công khai những việc nhân dân được biết; những việc được bàn bạc và quyết định; những việc được bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định và những nội dung nhân dân giám sát. Chính vì vậy đã tạo được sự phấn khởi, đồng tình, hưởng ứng thực hiện của cán bộ và nhân dân địa phương. Lãnh đạo Đảng uỷ xã Quảng Vinh cho biết: để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, phân công trách nhiệm của từng thành viên phụ trách các lĩnh vực công tác, các thôn trên cơ sở gắn việc chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ để nâng cao hiệu quả công tác. Nhờ làm tốt công tác lãnh chỉ đạo nên sau 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, xã Quảng Vinh đã đạt được những kết quả nhất định.

            Đối với những nội dung công khai để nhân dân biết như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các chủ trương của cấp trên liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân; các công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn; các khoản mà nhân dân phải đóng góp cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của công chức cấp xã thường trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân...đã được Ban chỉ đạo tổ chức thông báo công khai cho nhân dân biết bằng nhiều hình thức như qua các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi hội họp của các đoàn thể, sinh hoạt của cộng đồng dân cư và trên phương tiện thông tin đại chúng...để giúp nhân dân địa phương biết, hiểu và thực hiện theo đúng quy định.

            Đối với những nội dung nhân dân bàn bạc và quyết định, Ban chỉ đạo xã Quảng Vinh đã chỉ đạo ban điều hành các thôn phải đưa ra tập thể nhân dân bàn và quyết định các vấn đề liên quan như mức đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi trong phạm vi địa phương quản lý...nhờ được bàn bạc và quyết định nên trong 10 năm qua, nhân dân xã Quảng Vinh đã đóng góp 577 triệu đồng để xây dựng 7,7 km kênh mương; 1,4 tỷ đồng để xây dựng 14,8 km đường giao thông liên thôn, trong đó 8,5 km đường thôn và 6,3 km đường xóm; đóng góp 173 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa các trường học trên địa bàn xã; ngoài ra còn đóng góp kinh phí để đổ đất cấp phối đường thôn xóm tạo thuận lợi trong đi lại, đóng góp để tiêu úng đồng ruộng Bắc Vinh mỗi khi có lũ lụt ...

            Bên cạnh đó, hàng năm Ban chỉ đạo xã còn xin ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các công việc ở địa phương trước khi HĐND, UBND quyết định như dự thảo chương trình phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch khu trung tâm, các khu dân cư mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các nội dung bản quy ước thôn văn hóa...Các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; các dự án kiến thiết cơ sở hạ tầng ở địa phương cũng đã được đưa ra để nhân dân tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Việc giám sát của nhân dân đối với chính quyền cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục; nhân dân thực sự là người tham gia giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử, giám sát các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn.           

            Ông Trần Muốn - Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Vinh cho biết : sau 10 năm thực hiện chỉ thị 30-CT/TW về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy đại đa số cán bộ, đảng viên đều nhận thức được về trách nhiệm của mình là phát huy và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, qua đó để nhân dân tự bàn bạc, quyết định những vấn đề có liên quan đến địa phương, đơn vị mình; nhân dân có điều kiện để phát huy quyền làm chủ của mình, được tham gia ý kiến về các vấn đề chung của xã nhà nên mọi công việc khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ đều dễ dàng và có hiệu quả hơn so với trước đây.

Thật vậy, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có những tác động tích cực đến việc thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở Quảng Vinh đạt trên 10%; thu nhập đầu người đạt 9,8 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn dưới 13%. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện với 99,9% hộ sử dụng điện, 100% hộ dùng nước hợp vệ sinh, 70% hộ dùng nước máy; phương tiện đi lại và nghe nhìn ngày càng nhiều hơn; cơ bản xoá nhà tạm cho các gia đình chính sách và hộ nghèo; kết cấu hạ tầng được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Ngoài ra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng đã tác động tích cực đến việc phát triển văn hóa xã hội như tất cả 14/14 làng, thôn và 5/5 cơ quan đều đã đăng ký và được công nhận đạt chuẩn đơn vị văn hóa. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, đặc biệt là ở cấp thôn, người dân đã trực tiếp giới thiệu các thành viên để bầu vào Ban điều hành các thôn, ban quản trị các hợp tác xã nông nghiệp một cách dân chủ và đúng pháp luật. Thông qua mặt trận và các đoàn thể, Ban chỉ đạo xã đã tổ chức triển khai và vận động cán bộ hội viên, đoàn viên tích cực tham gia học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một kinh nghiệm được rút ra qua quá trình thực hịên quy chế dân chủ ở cơ sở tại xã Quảng Vinh cho thấy : để việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở địa phương ngày càng có hiệu quả, mang tính bền vững và lâu dài, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy; sự thực thi nghiêm túc, sáng tạo, có trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Có như vậy, việc thực hiện dân chủ ở địa phương mới thực sự trở thành động lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy mọi phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

                                                                        Thanh Phượng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.338.852
Truy câp hiện tại 4.236