Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Ấm nồng tình nghĩa
Ngày cập nhật 28/07/2010

Tháng 7 - mùa tri ân, cả nước đang hướng về tưởng niệm, tôn vinh các Anh hùng Liệt sĩ, thể hiện lòng biết ơn đối với các gia đình có công với cách mạng. Trong dòng sông ân tình ấy, Ban chỉ huy quân sự huyện Quảng Điền đang lặng lẽ với các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”.

Quảng Điền là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày quê hương giải phóng, toàn huyện có 1.926 liệt sĩ, 443 thương binh, 92 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH), hàng ngàn người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng các huân, huy chương cao quý. Nhớ ơn sự hy sinh cao cả ấy, cán bộ và chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Quảng Điền đã làm tốt công tác chăm sóc thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Theo đoàn BCHQS huyện Quảng Điền, chúng tôi đến thăm BMVNAH Đoàn Thị Vấn (xã Quảng Vinh), do đơn vị phụng dưỡng. Gặp các anh, mẹ mừng như đón những đứa con thân yêu về thăm nhà. Câu chuyện rôm rả của các anh khiến mẹ cười mãi. Năm nay đã ngoài 88 tuổi nhưng mẹ Vấn vẫn minh mẫn lắm. Đôi tay run rẩy thắp nén nhang lên bàn thờ liệt sĩ Hồ Hữu Hùng, mẹ Vấn hồi tưởng: “Năm 16 tuổi, con trai mẹ đã làm liên lạc cho bộ đội, tham gia vào đội du kích của xã. Ở tuổi 18, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, con mẹ hy sinh”… Như nhiều bà mẹ Việt Nam khác trong thời chiến, mẹ Vấn đã dũng cảm hiến dâng đứa con duy nhất của mình cho Tổ quốc.

Lau vội giọt nước mắt trên đôi má nhăn nheo, mẹ nhìn sang các anh âu yếm: “Mẹ một thân một mình nhưng không cô đơn mô. Mẹ không còn con nhưng có nhiều người con khác đang chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Các cán bộ, chiến sĩ của BCHQS huyện vẫn thường xuyên đến thăm, chia sẻ khiến mẹ ấm lòng lắm”.

 

Từ sự gắn kết ấy, mẹ Vấn đã xem các anh như người thân của mình. Anh Lê Văn Nghiêm, Chính trị viên BCHQS kể: “Mẹ quý chúng tôi lắm, có gì ngon cũng để dành. Có lần đến thăm, mẹ còn dúi vào tay tôi mấy lon bia, bảo mang về uống”. Rồi anh trầm lại: “Dù biết không gì có thể bù đắp sự mất mát của mẹ nhưng chúng tôi luôn cố gắng san sẻ để mẹ vơi bớt nỗi đau”.

 

Vợ chồng ông Văn Đức Mường, bà Trần Thị Xuyên (xã Quảng Vinh) không thể nào quên niềm vui trong ngày khánh thành ngôi nhà tình nghĩa vào năm 2009. Trong kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng bà Xuyên vốn là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, hiện ông Mường bị tâm thần phân liệt. Thỉnh thoảng, ông lại lên cơn động kinh, co giật, la hét. Là bệnh binh, sức khỏe yếu cộng với việc chăm sóc chồng khiến bà Xuyên không làm được gì thêm. Số tiền trợ cấp chỉ đủ trang trải trong nhà. Quanh năm chật vật, căn nhà ẩm thấp, chật chội nhưng gia đình bà không có điều kiện sửa chữa. Chỉ tay xuống căn nhà cũ, bà Xuyên tâm sự: "Hồi trước, chỉ một trận mưa lớn là nước ngập đầy nhà. Nhờ sự quan tâm của BCHQS huyện, căn nhà của chúng tôi đã được xây dựng cao ráo. Đến cuối đời được ở trong căn nhà khang trang, vợ chồng tui mãn nguyện rồi”.

 

Niềm vui càng nhân đôi khi vào ngày khánh thành, BCHQS huyện đã trích 10 triệu đồng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” mua tặng tủ thờ, bàn ghế, chăn màn… Nhắc lại, bà Xuyên xúc động: “Không có BCHQS thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có được ngôi nhà khang trang như ri để ở. Các anh nhiệt tình lắm. Ngày khởi công xây nhà, các anh huy động thêm chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ đến đổ đất, đắp nền, đào móng, làm đường. Sau khi hoàn thành, các anh còn bắt điện, nước sạch cho gia đình tôi nữa”.

 

Những năm qua, cán bộ và chiến sĩ BCHQS đã tích cực hưởng ứng. nhiều hoạt động thiết thực như triển khai xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 130 triệu đồng; phụng dưỡng BMVNAH; lập sổ tiết kiệm tình nghĩa; phối hợp tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách; thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, Tết, ốm đau…

 

Ông Hồ Văn Hường, Chỉ huy trưởng BCHQS huyện Quảng Điền tâm sự: “Đất nước được rạng rỡ như hôm nay là nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của những bà mẹ kiên trung như mẹ Vấn đã nén nỗi đau riêng, dâng hiến cho dân tộc đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Dù cuộc sống vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể bù đắp những mất mát của họ, chỉ có lòng biết ơn vô hạn, tình yêu thương mới san sẻ được phần nào. Vì thế, chăm lo cho người có công chính là thể hiện đạo nghĩa dân tộc, là trách nhiệm lớn lao đối với thế hệ đi trước... Để báo đáp công ơn ấy, chúng tôi luôn quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo BMVNAH và các đối tượng chính sách”.

                                                                                                 

                  Bài và ảnh:  Trang Hiền (Báo Thừa Thiên Huế)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.309.089
Truy câp hiện tại 8.877