Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 15e-NQ/HU ngày 24 tháng 10 năm 2007 của Huyện ủy về phát triển kinh tế trang trại thời kỳ 2007-2010 và định hướng đến 2015.
Ngày cập nhật 06/07/2012

                Thực hiện Nghị quyết số 15e-NQ/HU ngày 24 tháng 10 năm 2007 của Huyện ủy về phát triển kinh tế trang trại thời kỳ 2007-2010 và định hướng đến 2015; trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở và sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các chủ cơ sở trang trại, gia trại, hoạt động phát triển kinh tế trang trại đã có những chuyển biến tích cực: các chỉ tiêu về giá trị sản lượng hàng hóa hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; nhiều trang trại tổ chức sản xuất đúng hướng và tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa cao; đã đa dạng các ngành sản xuất trong các trang trại, gia trại hợp lý; hình thành thêm nhiều gia trại hoạt động có hiệu quả và bước đầu hình thành một số trang trại ở vùng đồng bằng.

            Tính đến năm 2010, toàn huyện có 61 trang trại, trong đó có 18 trang trại có giá trị sản lượng hàng hoá từ 250-400 triệu đồng/năm, đạt 133% kế hoạch, 07 trang trại có giá trị sản lượng hàng hoá trên 500 triệu đồng/năm, đạt 466,7% kế hoạch; 500 gia trại, đạt 100% kế hoạch. Giá trị sản lượng hàng hoá bình quân đạt 333,07 triệu đồng/trang trại, vượt kế hoạch đề ra.

Tính đến nay, toàn huyện có 93 trang trại, trong đó có 70 trang trại đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK và Thông tư số 74/2003/TT-BNN, tăng 28 hộ so với năm 2007, trong đó có 16 trang trại đạt các tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, tăng 16 trang trại so với năm 2007.
Với những kết quả đạt được đã khẳng định các nhiệm vụ và giải pháp mà Huyện ủy đề ra trong Nghị quyết là đúng đắn. Vùng cát, vùng đầm phá và vùng nội đồng nếu được đầu tư khai thác một cách hợp lý sẽ tạo ra được khối lượng hàng hóa có giá trị kinh tế và hiệu quả cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.
Tuy nhiên, trong những năm qua, phát tiển kinh tế trang trại tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do: chưa có quy hoạch hoàn chỉnh về phát triển kinh tế trang trại ở từng địa phương, vì vậy việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế trang trại ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; các chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế trang trại chưa được cụ thể hoá; công tác vận động quần chúng nói chung và vận động những hộ gia đình có tâm huyết nói riêng để đầu tư phát triển trang trại chưa mạnh, chưa có sự quyết tâm đồng bộ giữa các ngành và các đoàn thể; một bộ phận nông dân đã được giao đất làm trang trại không chịu khó, thiếu quyết tâm, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nguồn lực đầu tư của nông dân có hạn, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả thấp lại không ổn định, rủi ro cao do đất đai nghèo dinh dưỡng, thời tiết bất lợi; ảnh hưởng của biến động về giá cả nông sản, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản...đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn.
Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn huyện có 180-200 trang trại đạt tiêu chí trang trại, trong đó có 25-28 trang trại đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT; có trên 50 ha đất thục ở vùng đồng bằng được tổ chức sản xuất theo quy mô trang trại; có 650-700 gia trại chăn nuôi, huyện Quảng Điền tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân trong huyện có đủ điều kiện lên lập trang trại ở vùng rú cát nội đồng, trong đó ưu tiên giao đất lập mô hình trang trại với định hướng phát triển phổ biến là trồng nấm, chăn nuôi lợn, gia cầm; tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp có nhu cầu và đã tổ chức sản xuất có hiệu quả trong thời gian qua và cấp giấy chứng nhận trang trại cho các hộ sản xuất đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT; đồng thời, tiếp tục soát xét thu hồi đất toàn bộ hoặc một phần đối với một số hộ hiện chỉ trồng rừng, không đầu tư sản xuất hoặc đầu tư sản xuất không đáng kể; tiếp tục tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm tổ chức sản xuất, quản lý trang trại cho các hộ trang trại; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả; hoàn chỉnh, phê duyệt quy hoạch phát triển trang trại vùng cát nội đồng để tổ chức sản xuất hợp lý, có hiệu quả; mỗi xã, thị trấn cần phải có quy hoạch và kế hoạch các vùng phát triển kinh tế trang trại tổng hợp ở vùng đồng bằng, lồng ghép với quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt để tổ chức thực hiện; tiếp tục đầu tư về hạ tầng giao thông, điện ở vùng rú cát nội đồng theo quy hoạch và tiến độ phát triển trang trại; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, trong đó phát huy vai trò của các HTX sản xuất nông nghiệp, các Chi hội trang trại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác trong phát triển kinh tế trang trại.
Tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện trong thời gian qua, những giải pháp hợp lý và sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở, kinh tế trang trại Quảng Điền sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đưa Quảng Điền trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015.
 
                      (Hoàng Văn Minh Châu)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.802.899
Truy câp hiện tại 9.212