Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thôi kiếp lênh đênh
Ngày cập nhật 24/02/2010
Bàn giao khu định cư Vạn Hạ Lang (Quảng Phú)

Sẽ còn nhiều việc nữa phải làm để người dân thủy diện được “lạc nghiệp”, song, chỉ riêng chuyện được lên bờ tái định cư, Đảng, Nhà nước đã giúp cuộc đời họ sang một trang mới với thật nhiều niềm vui và hy vọng…

Năm ngoái về Quảng Thành (Quảng Điền), Chủ tịch HĐND xã-anh Đào Lý, dẫn chúng tôi ra thăm công trình đường vào khu tái định cư Quán Hòa. Từ là đoạn đường rất nhỏ hẹp, khó đi, nay được san ủi, tạo nền đường rộng đến 5m. Đường chưa xong, nhưng những hộ dân sống đôi bên trông đã phấn khởi ra mặt. Theo lãnh đạo địa phương, khi nền đường ổn định, toàn tuyến nối Tỉnh lộ 4 từ trung tâm xã dẫn ra sẽ được nâng cấp. Tổng vốn đầu tư cho công trình khoảng trên 3 tỷ đồng. Ngoài tạo điều kiện cho Quảng Thành phát triển kinh tế-xã hội vùng thành cổ Hoá Châu và vùng đầm phá ven biển, việc xây dựng, nâng cấp tuyến đường trước hết là để giúp cho người dân thủy diện ở khu tái định cư Quán Hoà thuận tiện trong đi lại, sớm ổn định cuộc sống.

            Song song với con đường nói trên, bằng nguồn vốn của Nhà nước, khu tái định cư Quán Hòa cũng được đầu tư để san nền, xây dựng hơn 200 mét đường bê tông nội bộ, cấp điện sinh hoạt… 38 hộ dân thủy diện được tổ chức lên bờ tái định cư tại đây còn được nhận mức hỗ trợ chung 14,5 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà cửa. Khu tái định cư Quán Hòa chỉ là một trong 8 khu tái định cư dân thủy diện trên toàn địa bàn Quảng Điền bao gồm Quán Hòa (Quảng Thành), Phước Lập (Quảng Phước), Hà Công, Mỹ Thạnh (Quảng Lợi), Trung Làng (Quảng Thái), Mỹ Ổn (Quảng An), An Lộc (Quảng Công), và Phước Lập (Quảng Phú). Định cư cho tất cả 182 hộ.

            Dân thủy diện là danh từ được dùng để chỉ bộ phận dân cư sống trên những con đò nay đây mai đó trên phá Tam Giang. Những người dân “theo đuôi con cá này” suốt nhiều đời qua đã buộc phải cam chịu một phận đời lênh đênh, không nhà cửa, không học hành, không được tiếp cận với những phương tiện sinh hoạt của một xã hội văn minh. Họ sống với những tập quán kỳ dị như thuở còn hồng hoang: bắt con gái trên bờ xuống làm vợ; thấy người chết đuối không cứu vì sợ thủy thần nổi giận…Mỗi gia đình cả chục người phải cùng ở trong lòng một con thuyền chật chội. Ăn đó, ngủ đó, mọi sinh hoạt đều ở đó. Sinh đẻ thì vô tội vạ. Các cặp vợ chồng mới ngoài ba mươi đã có với nhau 6-7 mặt con là chuyện bình thường. Con cái đẻ ra cứ phó mặc cho trời đất, không hiếm trường hợp cha mẹ lo làm, quên để ý khiến con trẻ rơi xuống nước mà không hay biết…

            Khổ nhất là vào mùa mưa bão. Những con thuyền bé nhỏ, mong manh làm sao có thể chống nổi với những cơn cuồng nộ của thiên nhiên? Trong ký ức của họ, có lẽ không bao giờ phai nhòa nỗi kinh hoàng của cơn bão số 8 năm 1985. Năm ấy, dân thủy diện toàn tỉnh đã tử nạn đến 700 người, trong đó có sự “góp mặt” của không ít người dân thủy diện Quảng Điền. Bởi vậy, mỗi mùa mưa bão đến, an toàn cho bộ phận dân cư này luôn là mối bận tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình định cư dân thủy diện của tỉnh vì thế đã được Quảng Điền vui mừng đón nhận và triển khai với một tinh thần khẩn trương, đầy trách nhiệm. Cho đến bây giờ, khi 182 hộ thủy diện đã có nơi ăn chốn ở trên bờ, Chủ tịch UBND huyện Cao Xuân Phụ như mới trút được gánh nặng trong lòng: “Giờ thì đã có thể yên tâm, chứ như hồi trước, hễ mỗi lần nghe bão là anh em tôi cứ như ngồi trên lửa. Phải chia nhau đến tận nơi, đốc thúc, kiểm tra việc di dân thế nào rồi mới có thể làm được việc khác…”

Chúng tôi về cống Ba cửa thăm khu tái định cư Mỹ Ổn thuộc xã Quảng An. Đường dẫn vào Mỹ Ổn đã được lát bê tông, thoáng rộng. Dọc theo đường là đường dây điện hạ thế phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho dân được kéo trên hệ thống cột bê tông ly tâm vững chãi. Mùa này, con kênh đầy ắp đang tháo nước ra phá Tam Giang, mấy chị phụ nữ tranh thủ nắng ráo mang đồ ra giặt giũ. Các ngôi nhà đều cùng một phía, xoay mặt hướng ra con đường quy hoạch. Dẫu chưa to đẹp, nhưng tất cả đều kiên cố, có thể an toàn trước bão lũ. Nơi đây có 19 hộ lên tái định cư.

            Tìm nhà bác trưởng thôn. Chủ nhân đi vắng. Thấy một người đàn ông đang lúi húi chuyển đất đắp nền từ chiếc thuyền đang neo ở con lạch trước nhà, tôi lân la làm quen và theo chân anh vào nhà chơi. So với những ngôi nhà khác trong thôn, đây là ngôi nhà thuộc hàng “top”. Nền tôn cao đến cả thước (để tránh lụt), tường xây, bộ mái có hệ băng kèo bê tông giả gỗ oách như ai…Tạm dẹp chiếc xe rùa sang một  góc, người đàn ông rửa vội tay chân và đon đả vào nhà tiếp khách. Chị vợ cũng xăng xái lo nước non và thu dọn cái khung thêu đang làm dở để khách ngồi chơi cho thoải mái. Đó là vợ chồng anh Đặng Phước Dũng, sinh năm hợi-Tân Hợi-1971. Hai vợ chồng lên định cư từ hồi 1989. Kế hoạch mãi, sau này mới có con. Đứa đầu lớp 3. Hai thằng nhóc sau đang còn đi trẻ…tại gia. Sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng với sự nỗ lực của tự thân, vợ chồng anh Dũng đã dần dần vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Cho đến bây giờ thì xem như tạm ổn. Ngoài của nhà 2 sào ruộng, vợ chồng còn đấu thêm 9 sào nữa để làm. Cả thảy cộng một mẫu mốt. Vất vả tí, nhưng khỏi lo đói. Chị vợ còn nhận thêm hàng thêu, cũng có thêm chút tiền vô ra cho gia đình. Và khi đêm xuống, người chồng lại chuẩn bị đồ nghề để xuống thuyền, theo con cá, con tôm trên đầm phá. Đó là nghề cha truyền con nối, đã bao đời nuôi sống gia đình anh. 

            Tuy nhiên, nhắc đến chuyện đánh bắt thủy sản, cả hai vợ chồng trở nên rầu rĩ. Gạn hỏi, hóa ra cũng do nạn rải lừ vô tội vạ. Không phải những cái lừ bằng tre truyền thống, mà đây là lừ bằng lưới, mắt nhỏ xíu xiu nhập về đâu từ bên Tàu. Lừ giăng ngang, rải dọc như ma trận trên phá. Cá tôm từ lớn chí nhỏ, hễ cứ chui vô là xem như hết đường thoát. Nguồn lợi thủy sản ngày càng trở nên cạn kiệt. “Trước, mỗi đêm đi làm có thể kiếm được cả trăm ngàn thong thả, xui xẻo lắm cũng năm, bảy chục ngàn. Nhưng nay đi làm oải người suốt đêm, vừa thả lưới vừa phải gõ (để xua cá tôm vào lưới), nhưng giỏi lắm cũng chỉ được vài ba chục ngàn là cùng” - anh Dũng ngán ngẩm. Cũng theo anh Dũng, các đối tượng đặt lừ không phải là người địa phương mà đều từ đâu kéo đến cả. Dẹp bỏ một cách thật mạnh tay nạn lừ, đó là mong muốn chính đáng của anh Dũng và những người làm nghề chài lưới nơi đây đối với chính quyền sở tại. Ngoài làm ruộng, đánh bắt cá tôm như vợ chồng anh Dũng, dân tái định cư còn làm thêm nhiều nghề khác như buôn bán, phụ thợ hồ... Cuộc sống dẫu chưa đầy đủ sung túc như ý muốn, song, so với những ngày con lênh đênh sóng nước, thì quả là một trời một vực. Ai cũng hiểu được điều đó và đang cố gắng làm việc, cố gắng thu xếp để gầy dựng tương lai cho gia đình…         

Trong câu chuyện cuối năm với Chủ tịch Cao Xuân Phụ, ông nêu quyết tâm của huyện sẽ triển khai thành công việc sắp xếp lại nò sáo trong năm 2010. Ông cũng phác họa về một tuyến đường ven phá Tam Giang nối từ Tỉnh lộ 4 về đến cầu Ca Cút mà Quảng Điền đang cố gắng tìm nguồn lực để xây dựng... Tất cả những việc đó, ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội chung cho toàn huyện, còn trực tiếp mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt cho dân tái định cư thủy diện. Tất nhiên, sẽ còn thêm nhiều việc nữa phải làm để người dân thủy diện được “lạc nghiệp”, song, chỉ riêng chuyện được lên bờ tái định cư, Đảng, Nhà nước đã giúp cuộc đời họ sang một trang mới với thật nhiều niềm vui và hy vọng…

 

                                                      Diên Thống

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.343.277
Truy câp hiện tại 7.019