Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Quảng Điền những giải pháp bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trên phá Tam Giang
Ngày cập nhật 26/09/2023

Quảng Điền là địa phương vùng trũng, hàng năm do ảnh hưởng của bão, lũ gây xói lở nhiều vùng đất ven biển, ven phá, ảnh hưởng đến nhà cửa, cây cối, ao hồ nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân. Trước tình hình khí hậu toàn cầu đang có những biến đổi lớn, bất lợi đối với cuộc sống của con người, thì vai trò của việc trồng rừng ngập mặn nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng của thiên tai do biến đổi khí hậu càng trở nên đặc biệt quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

 

Với mục đích chống lại sự biến đổi của khí hậu, năm 2016 được quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, huyện Quảng Điền đã đưa vào trồng 50,47 ha rừng ngập mặn trên phá Tam Giang, trong đó ở xã Quảng Phước 2 ha, thị trấn Sịa 2,86 ha và xã Quảng Lợi 45,57 ha. Tất cả các diện tích rừng trồng chủ yếu là cây bần chua và dừa nước. Sau thời gian trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, các diện tích rừng trồng phát triển xanh tốt, trở thành vành đai che gió bão, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, phát huy vẻ đẹp tiềm năng vùng đầm phá, phát triển du lịch theo định hướng của huyện. Hiện nay, huyện Quảng Điền đang xúc tiến đưa vào trồng thêm 10 ha rừng ngập mặn ở 2 địa phương Quảng Lợi và thị trấn Sịa. 

                                                      Trồng rừng ngập mặn tại xã Quảng Lợi

Theo nhiều người dân sống ở thôn ven phá của các địa phương có rừng ngập mặn như: Quảng Phước, thị trấn Sịa và Quảng Lợi cho biết: Rừng ngập mặn trên phá Tam Giang từ khi được đưa vào trồng đến nay đã mang hiệu quả rất lớn cho người dân, vì giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và thu nhập của bà con ngư dân được tăng lên nhờ nguồn lợi thủy sản đánh bắt trên phá. Trong số 50,47 ha rừng trồng trên phá Tam Giang, có 10 ha dừa nước, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả rất lớn về tiềm năng du lịch của huyện. Theo thống kế của ngành chức năng, những năm trở lại đây khi các diện tích rừng ngập mặn trên phá Tam Giang được đưa vào phục vụ du lịch, hầu hết các du khách khi đến tham quan trải nghiệp vẻ đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn họ rất thích thú. Chính nhờ vậy lượng du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện ngày càng tăng.

                           Cơ quan chức năng và người dân tham quan rừng trồng ngập mặn

Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, trong rừng ngập mặn, không phải loại cây nào cũng có thể sinh sống và phát triển được. Chỉ những loại thực vật thích hợp với vùng nước ngập mặn mới có thể sinh sống và phát triển một cách tốt nhất. Chính vì những yếu tố đó đã tạo nên một môi trường sinh trưởng và phát triển khắc nghiệt chỉ những loại cây ngập mặn với những đặc tính riêng mới có thể sống và thích nghi một cách tốt nhất. Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng và có năng suất cao nhất trên thế giới, là nơi nuôi dưỡng, cư ngụ, cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật dưới nước và trên cạn có giá trị ở vùng ven biển. Rừng ngập mặn giúp ổn định bờ biển, bảo vệ đê điều và là tấm lá chắn chống lại gió bão cũng như các tai biến thiên nhiên. Rừng ngập mặn đã đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế - xã hội của người dân ven biển, đầm phá. Tài nguyên hệ sinh thái rừng ngập mặn đã được khai thác từ lâu đời làm vật liệu xây dựng, hầm than, củi đun, lấy ta nin, thức ăn, mật ong, thảo dược,...

Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn không chỉ là nguồn cung cấp oxy mà còn giúp điều hòa không khí. Đây là một trong những lá chắn giúp phòng hộ ven biển và phòng tránh được sự bào mòn của nước biển. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế cho người dân sống gần khu vực trồng rừng. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, có nhiều lợi ích cho động vật, con người và cả hệ sinh thái xung quanh. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có nhiều loài động vật có vỏ (cá, tôm…) cho con người. Đồng thời, cung cấp nhiều nguyên liệu mà con người thường xuyên dùng đến: sợi, dược liệu, than củi,  lá dừa để lợp mái nhà.

       Người dân khai thác tiềm năng rừng dừa nước.

                                    Phát triển du lịch trên phá Tam Giang

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện cho biết:  Để việc trồng rừng mang lại hiệu quả hơn nữa, về lâu dài UBND huyện đã ban hành và triển khai một số giải pháp bảo vệ  rừng ngập mặn. Theo đó, sẽ tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho các tầng lớp nhân dân; nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên môn…; lồng ghép với chương trình giáo dục pháp luật của các Sở, ban, ngành và các lớp tập huấn do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ. Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng để tuần tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.  Xây dựng và thực hiện chính sách quản lý hệ sinh thái rừng, đầm phá, trong đó người dân được phối hợp quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững theo quy định của pháp luật. Tổ chức các khóa đào tạo về vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong tiến trình phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên cho các nhà quản lý địa phương và cán bộ nòng cốt. Đồng thời, đẩy mạnh việc giao rừng cho các hộ dân để gắn trách nhiệm trong công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng./.           

                                                                                                                                                                                                                                               Công Cường

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.288.531
Truy câp hiện tại 34.303