Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Thủ Lễ - làng xưa !
Ngày cập nhật 03/03/2010
Đình làng Thủ Lễ - nơi diễn ra Hội Vật truyền thống hàng năm

Được bao bọc bởi hai dòng sông: sông Sịa và sông đào Diên Hồng, làng Thủ Lễ (một phần thuộc xã Quảng Phước và một phần thuộc thị trấn Sịa) là một làng thuần nông của huyện Quảng Điền, vùng đất văn vật nổi tiếng từ ngàn xưa. Hai dòng sông đã tạo nên vẻ đẹp mềm mại và làm xanh mát những ruộng lúa, bờ tre của làng. Thủ Lễ cho đến nay vẫn còn giữ được những nét đẹp của một ngôi làng cổ với nhiều công trình kiến trúc và những giá trị văn hóa truyền thống đậm màu của một làng quê Việt Nam.

Theo nghĩa của tiếng Hán, tên làng " Thủ Lễ " có nghĩa là " giữ lễ ". Một ngôi làng thuần nông có tên gọi mang đậm màu sắc Nho giáo như thế này quả thật là một ngôi làng có truyền thống tôn trọng lễ nghĩa, đề cao lối sống trọng phép nước, giữ  phép nhà của người xưa. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một tài liệu nào nói đích xác về sự ra đời của làng Thủ Lễ, nhưng hầu hết các tư liệu của làng có trước năm 1835 đời Minh Mạng đều ghi lại rằng: "Làng Thủ Lễ thuộc tổng Phù Lê, sau năm 1835, làng Thủ Lễ thuộc tổng Khuôn Phò, gồm các xã Khuôn Phò, Thủ Lễ, An Gia, Thạch Bình, Tráng Lực, Uất Mậu kèm theo một số phường ven vùng cát và ven phá Tam Giang. Theo kết quả nghiên cứu của Bảo Tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế thì trước năm 1600, khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa và không trở ra Đàng Ngoài nữa thì làng Thủ Lễ đã là một làng lớn, dân số đã khá đông. Như vậy, có thể thấy rằng làng Thủ Lễ đã được thành lập từ trước thời Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Lịch sử của làng, do vậy, cũng đã  trải qua trên 400 năm. Thời gian trôi đi, bao đổi thay đã diễn ra trên mảnh đất này nhưng tên làng là Thủ Lễ vẫn không hề thay đổi. Những truyền thống của cha ông xưa luôn được con, cháu các đời sau gìn giữ, tạo nên tiếng thơm cho làng với những nét đẹp văn hóa đặc biệt của riêng Thủ Lễ. Cho  đến nay, vẫn còn đó những tên đất, tên làng còn lưu truyền trong cách gọi tên của bà con Thủ Lễ về những cánh đồng như: xứ Bàn Đất, xứ Bà Lệ, xứ Bàn Hà, xứ Bàn Thủy, xứ Hói Đen, xứ Chà Bà, xứ Cửa Miếu...

Hơn bốn trăm năm lập làng trên một vùng đất trũng, nghề nông là nghề chính của dân làng Thủ Lễ. Bao truyền thuyết đã trở thành những giai thoại người dân kể cho nghe như là một cách giải thích về sự ra đời của làng, về những điều linh thiêng, hệ trọng mà con cháu phải thấy đó để hiểu thêm về truyền thống của làng cũng như để tự hào về vùng đất của mình. Như bao làng quê khác, Thủ Lễ vẫn còn nhiều công trình kiến trúc thờ các tín ngưỡng dân gian, thể hiện niềm tin của con người trong những tháng ngày gian nan, trong thuở khai hoang lập làng. Về Thủ Lễ bây giờ, bà con vẫn còn kể cho nghe câu chuyện truyền thuyết về Ông Phật Lồi. Dân làng bây giờ vẫn không sao giải thích được tại sao lại gọi là Phật Lồi, nhưng có một điều chắc chắn rằng, câu chuyện này gắn bó với sự ra đời của ngôi chùa làng Thủ Lễ. Chuyện kể rằng, một hôm, xuất hiện một pho tượng Phật nằm ở ranh giới hai làng Thủ Lễ và làng Khuôn Phò. Dân làng Khuôn Phò ra thỉnh tượng Phật nhưng nặng quá thỉnh không nổi. Lúc ấy, có một đám trẻ chăn trâu của làng Thủ Lễ đã cùng nhau khênh tượng về, thì lạ thay, tượng nhẹ thênh. Khi khênh về đến vị trí đặt chùa hiện nay thì ngôi tượng trì xuống, bà con đã lập chùa thờ bức tượng này và đặt tên là tượng Phật Lồi, chính vì thế khi lập chùa xong, dân làng gọi đây là chùa Phật Lồi, đến năm Tân Tỵ đời Vua Bảo Đại, chùa được sắc phong là "Hương Lễ tự". Hiện nay, ở trong chùa vẫn còn thờ pho tượng tương truyền là Phật Lồi. Nét hóm hỉnh pha một chút tinh nghịch của truyền thuyết này là câu đố không có lời giải đáp của bà con: trong ba pho tượng đang thờ ở đây, có một pho là tượng Phật Lồi. Dựa trên những nét kiến trúc gỗ và cách thức kiến thiết của ngôi chùa mà ta thấy được cuộc sống của cư dân làng Thủ Lễ thời ấy đã phát triển mạnh mẽ. Kiến trúc chùa theo kiểu chùa cổ, với cổng xây theo lối cổ lầu. Đặc biệt, chùa được xây theo lối nhà rường nằm dọc, đây là một kiểu kiến trúc rất cổ và hiện trên đất Huế còn rất ít công trình xây theo kiểu này. Phần trang trí vẫn là những mô típ "Long, lân, qui, phụng" ở trên mái được khảm sành sứ mà ta vẫn thường bắt gặp ở những kiến trúc tín ngưỡng. Đặc biệt, kiến trúc gỗ ở chùa rất tinh xảo. Ở phần cửa, bốn cánh giữa là nghệ thuật chạm lộng, nổi hình tứ linh đường nét đến nay vẫn còn rất sắc, những cánh cửa hai bên chạm hình Ngũ phước (hình 5 con dơi ngậm chữ Thọ). Từ bao đời nay, ngôi chùa làng này đã trở thành mái nhà chung, một điểm dựa về tinh thần của bà con vùng Thủ Lễ. Khách xa đến thăm chùa, dẫu chưa biết về truyền thống của  làng cũng có thể nhận ra một nét văn hóa tiêu biểu cuả Thủ Lễ qua hai câu đối ở cổng chùa :

"Giác ngộ anh hùng tham tánh Phật

Nhập thiền hào kiệt niệm từ tâm"

(nghĩa là bước đến cửa chùa, người anh hùng, hào kiệt càng giác ngộ hơn đức từ tâm của đạo Phật và dạy mọi người sống ở đời phải có tâm trong sáng.)

          Một công trình kiến trúc có giá trị nổi bật của làng Thủ Lễ hiện còn giữ được những nét xưa đáng quý đó chính là Đình làng. Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu thành văn nào nói rõ về năm tháng xây dựng đình, chỉ biết Đình Thủ Lễ đã qua ba đợt trùng tu, đợt cuối cùng là vào năm Thành Thái thứ 5 (1893) được ghi rõ trong nội thất của Đình. Theo dân làng, qua những đợt trùng tu, đình làng Thủ Lễ vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Đình được xây  trên xứ đất ông Ha, cách chùa làng độ 400 mét, tuân theo thuật phong thủy của những công trình cổ. Kiến trúc đầu tiên là tứ trụ biểu nhìn ra cánh đồng bao la trước mặt, mỗi trụ hai mặt đều có viết những câu đối bằng chữ Hán, nội dung ca ngợi cảnh sắc, truyền thống văn vật và vị thế của làng, tiếp đến là nhà bia, hồ bán nguyệt và bức bình phong với hình tượng long mã, hoa lá ở mặt trước và hình tượng con phụng ở mặt sau.  Đặc điểm nổi bật nhất của Đình làng Thủ Lễ là phong cách nhà rường rất độc đáo, với bộ rường gỗ vững chãi, kiểu dáng quy mô, bề thế. Tài năng của những người thợ xưa được thể hiện rất rõ qua kỹ thuật chạm trổ tinh xảo ở những vì kèo: vừa chạm lộng, vừa khắc chìm. Việc giữ gìn truyền thống của dân làng Thủ Lễ được thể hiện rất rõ qua 57 sắc phong các đời Vua nhà Nguyễn từ Minh Mạng cho đến Khải Định, đời vua nào cũng có sắc phong cho các Đình, chùa, am miếu của làng, nhiều nhất là đời Vua Khải Định, có đến 15 sắc phong; đời vua Thiệu trị 14 sắc phong. Nét cổ kính của Đình làng Thủ Lễ còn được thể hiện ở tấm bia đá đặt trước đình, cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ về tấm bia đá này vì những chữ và hình khắc trên tấm bia tuy còn rất rõ nhưng chưa ai đọc được. Cũng giống như chùa làng, Đình là điểm sinh hoạt chung của cư dân trong làng, và người dân Thủ lễ cũng đã dựa vào đây để giáo dục con cháu giữ đạo làng, đạo nhà, đó cũng chính là những nét đẹp truyền thống của làng quê Thủ Lễ - làng giữ lễ.

              Truyền thuyết đan xen với đời thực, có lẽ đó chính là điểm nổi bật trong phong cách sống của người dân làng Thủ Lễ hiện nay. Ở Thủ Lễ  bây giờ, những rặng tre xanh không còn ôm lấy những con đường đất lầy lội của một vùng trũng mà thay vào đó, tre xanh tỏa bóng mát trên những con đường bê tông sạch sẽ, những bến nước sông vẫn còn đó với hình ảnh con đò gợi vẻ đẹp bình yên của một làng quê hơn là một nguồn cung cấp nước: 8 thôn của xã đều đã phủ kín 100% hệ thống nước máy, điện chiếu sáng đã về đến mọi nhà, trường học, trạm xá đầy đủ theo tiêu chuẩn của một làng văn hóa. Nhưng những truyền thuyết vẫn còn, tạo nên một nét đẹp mơ màng cho một làng quê Việt. Ở đây vẫn còn Miếu thờ Ngũ Hành với câu chuyện có bệnh đỏ mắt cầu là khỏi, hay miếu thờ bà họ Trần gắn liền với câu chuyện truyền thuyết Huyền Trân Công Chúa trên đường vu quy đã từng dừng chân nghỉ tại làng. Nhiều công trình kiến trúc của làng xã vẫn được giữ gìn, hương khói ấm cúng như Miếu thờ Thần hoàng, các am, miếu của xóm... Khác với các làng cổ thường chỉ có thờ Văn Thánh, tức Đức Khổng Tử để cầu cho sự học, cầu người hiền tài, thì làng Thủ Lễ còn có thêm Võ Thánh, thờ Quan Công- biểu tượng cho việc trừ gian, diệt ác, bảo vệ dân lành. Những công trình này, ngoài ý nghĩa tôn trọng đời sống tâm linh của cư dân làng Thủ Lễ còn có giá trị to lớn về mặt kiến trúc. Đó là những ngôi nhà rường có tuổi đời hàng trăm năm với những nét đẹp về chạm khắc.

Thủ Lễ bây giờ đã phát triển lên 14 họ nhưng có 8 họ lớn nhất trong làng, kể theo thứ tự, đó là Lê, Nguyễn, Phan Gia, Hồ, Phan Ngọc, Ngô Văn, Ngô Thời và Phan Gia. Những ngôi nhà thờ họ được con cháu giữ gìn thật chu đáo, nhiều họ còn có những cách làm hay để giáo dục con cháu giữ nếp nhà hay cố gắng học hành làm rạng rỡ dòng họ, như khen thưởng học giỏi, tổ chức gặp mặt trong các dịp lễ, tết, viết câu đối răn dạy con cháu. Những ngôi nhà thờ họ, đó cũng chính là những ngôi nhà rường có giá trị. Đó là kết tinh anh hoa của một thời đại kiến trúc và tinh hoa của con người Thủ Lễ. Theo quan niệm xây dựng của người xưa, tất cả các ngôi nhà thờ họ ở làng Thủ Lễ đều lấy sông Sịa làm minh đường. Một điều thật kỳ lạ, trải qua những năm tháng chiến tranh, Thủ Lễ cũng là một vùng đất ác liệt, thế nhưng những công trình kiến trúc cổ của làng hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những đợt trùng tu, người dân vẫn có ý thức giữ nét xưa cho nên giá trị của những ngôi nhà cổ ở đây vẫn được bảo tồn. 

Cùng với những giá trị về mặt kiến trúc, Thủ Lễ là làng cổ vẫn còn giữ những lễ hội dân gian mang đậm tinh thần thượng võ của một làng quê ven phá Tam Giang. Hội vật hàng năm của Thủ Lễ được tổ chức vào ngày 6 Tết âm lịch thu hút đông đảo đô vật ở trong huyện Quảng Điền cho đến  các bạn ở xa như làng Sình (huyện Phú Vang) đến các xã thuộc huyện Hương Trà về tham dự, hay hội đua thuyền đậm tinh thần đồng đội, hội kể chuyện dân gian, hội hò hát... Đặc biệt, Thủ Lễ là làng có Mộ thờ những cô hồn, những người không nơi nương tựa, đặt cạnh chùa làng. Ba năm một lần, làng tổ chức tế cô đàn một lần, đúng vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu. Vào những dịp này, làng còn tổ chức đua thuyền hoặc thi thả diều. Lễ tế, vừa thể hiện tinh thần đồng bào nhân ái, vừa là một dịp để làng tổ chức những hoạt động cộng đồng lành mạnh.

              Là vùng đất văn vật, con cháu làng Thủ Lễ tự hào với những tên tuổi cha ông đã làm rạng danh làng, ngày xưa về Văn thì có Cụ Lê Hữu Hiệu, tước Hồng Lô Tự Khanh; về Võ thì có Thống chế đô đốc Phan Gia Chung. Ngày nay, con cháu trong làng số lớn học hành thành đạt làm bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... nếu là nhà nông thì đó cũng là những nhà nông chăm chỉ, đầy sáng tạo... Đi trên những con đường uốn quanh theo dáng dòng sông bao quanh làng ngày nay,  bên cạnh những nếp nhà xưa là những ngôi nhà mái ngói, vẫn còn đó những cây rơm trước nhà, hình ảnh của một làng quê lúa. Thủ Lễ ngày nay trong nhịp phát triển chung vẫn cố gắng gìn giữ những nét đẹp riêng của mình - điều đó đã trở thành truyền thống của làng. Người dân làng Thủ Lễ dù ở đâu, vẫn giữ được nét đẹp của làng mình, đó là "giữ lễ"-  một nét đẹp văn hóa rất cần thiết trong mọi thời đại./.

                                                          NGUYỄN KHOA

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.344.400
Truy câp hiện tại 7.659