Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Di tích lịch sử cách mạng địa điểm hội nghị Nam Dương địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ngày cập nhật 28/01/2009
Hội nghị Nam Dương là một bước ngoặc lịch sử của phong trào đấu tranh chống Pháp của quân và dân Thừa Thiên Huế. Sau 50 ngày đêm bao vây và dự định tiêu diệt quân Pháp ngay trong thành phố (từ ngày 19/12/1946 đến 13/2/1947) không thành vì địch tăng cường lực lượng tiếp viện phá vây. Mặt trận Huế vỡ, bộ đội, tự vệ và một bộ phận nhân dân ta rút chạy về phía bắc, hoặc vào rừng núi tránh giặc. Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp tại quê nhà chuyển sang một bước ngoặc mới, một giai đoạn mới; giai đoạn cực kỳ gian khổ nhưng không kém phần quyết liệt và anh dũng.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, trước mắt là phải gây dựng lại phong trào kháng chiến, đánh giặc Pháp cho đến ngày thắng lợi cuối cùng mà những lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vạch ra. Đó chính là nội dung quan trọng của Hội nghị cán bộ Đảng được tổ chức vào ngày 25/3/1947 tại nhà Bà Trần Thị Sành (nay là nhà Ông Nguyễn Hữu Phúc), ở thôn Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình kháng chiến trong toàn tỉnh, rút kinh nghiệm một số sai lầm thất bại vừa qua, ra Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định phong trào cách mạng quần chúng, kiên quyết tiếp tục kháng chiến để lấy lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân. Tư tưởng chỉ đạo lúc này của Tỉnh uỷ là phát động phong trào chiến tranh du kích, cán bộ phải quay trở lại đồng bằng, bám đất, bám dân, gây dựng lại niềm tin và phong trào quần chúng, phá tan âm mưu bình định của địch. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nhận định đầy tin tưởng: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần phải tranh thủ từng thôn, từng người dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”. Hội nghị cũng đã chọn chiến khu Hoà Mỹ xây dựng thành căn cứ kháng chiến của tỉnh, bố trí lại các Huyện uỷ, củng cố các Trung đoàn và tổ chức một số trận đánh có tiếng vang.
Hội nghị Nam Dương đã tạo sự chuyển biến mới trong cục diện tình hình chiến lược, lấy lại tinh thần cho quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau hội nghị cán bộ, đảng viên vừa tiếp tục công tác chỉnh đốn, vừa phân công bố trí trở lại đồng bằng xây dựng phong trào, lấy lại những cơ sở đã mất, giải thích chủ trương kháng chiến của Chính phủ, củng cố lại tinh thần, động viên và tổ chức nhân dân kháng chiến.
Di tích lịch sử cách mạng địa điểm Hội nghị Nam Dương gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Thừa Thiên Huế, là một bài học về sự lãnh đạo của Đảng bộ trước tình hình quê hương nguy cấp. Với việc tập hợp lực lượng, xây dựng phong trào, xây dựng chiến khu kháng chiến... là tình cảm, tinh thần yêu nước, tin tưởng vào cách mạng, vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến của nhân dân Thừa Thiên Huế. Ngoài ra di tích còn gắn liền với vai trò, tên tuổi và những đóng góp của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho phong trào cách mạng của quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong những giai đoạn còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, qua đấu tranh thử thách, trưởng thành, tên tuổi của đồng chí đã trở thành biểu tượng và linh hồn cuộc kháng chiến của nhân dân Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó di tích còn thể hiện tình cảm của nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung và nhân dân Quảng Điền nói riêng đối với gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ở Huế.
Cùng với thăng trầm của thời gian và những ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai và chất liệu không bền vững nên ngôi nhà không còn tồn tại. Sau khi được ông, bà để lại Ông Nguyễn Hữu Phúc đã tiếp tục sử dụng khu vực này để làm đất canh tác, trồng cây hoa màu và cây lưu niên. Sự kiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận di tích lịch sử cách mạng địa điểm hội nghị Nam Dương theo Quyết định số 2466/QĐ-UBND, ngày 29/10/2008 thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước ta đối với hội nghị Nam Dương. Đây là vinh dự lớn lao của toàn thể cán bộ và nhân dân trong thôn cũng như toàn huyện; đồng thời gắn trách nhiệm của chúng ta với di tích lịch sử cách mạng này.  
            Bên cạnh các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng trên địa bàn huỵên, di tích lịch sử cách mạng địa điểm hội nghị Nam Dương sẽ góp phần vào việc đa dạng hoá các loại hình di tích, là một địa chỉ đỏ để tham quan du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. (NTL)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.322.946
Truy câp hiện tại 18.116