Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Thao thức của vùng quê lúa Quảng Điền
Ngày cập nhật 03/03/2009

Từ quan điểm về sự phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng đến đề án xây dựng huyện điểm văn hóa Quảng Điền...

Văn hóa là một phạm trù đa nghĩa và tinh tế, theo nhà văn hóa - GS Phan Ngọc hiện nay đã có trên 400 định nghĩa về văn hóa. Nếu xét ở góc độ giá trị thì hình thái tồn tại của văn hóa được xác định bao gồm: văn hóa kinh tế, văn hóa giáo dục, văn hóa khoa học, văn hóa nghệ thuật, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống, văn hóa ẩm thực, văn hóa cư trú, văn hóa cồng chiêng, văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội... Dưới góc độ cấu trúc văn hóa có ba bộ phận: Tư tưởng, học thuật và văn học- nghệ thuật. Có thể hiểu một cách ngắn gọn thì văn hóa là hệ thống giá trị (vật chất và tinh thần) do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Với tư cách là một hoạt động xã hội, văn hóa chính là sự phát triển những năng lực bản chất người nhằm hướng tới các giá trị nhân văn.

            Trong những bước ngoặt của lịch sử đất nước, Đảng ta luôn kịp thời đề ra những đường lối, chủ trương thích hợp nhằm xây dựng nền văn hóa mới, con người mới XHCN. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, khi Đảng chủ trương đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN thì vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, văn hóa được xác định là:“nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội”.

Quan niệm về sự phát triển hiện nay không máy móc xem kinh tế là toàn diện mà coi trọng hai yếu tố ngoại sinh và nội sinh (văn hóa là yếu tố nội sinh). Theo các nhà nghiên cứu thì thực tế thành công của nước Nhật là đi bằng con đường kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa Nhật Bản (yếu tố tinh thần, nội sinh) với nền kỹ thuật của phương Tây (yếu tố vật chất, ngoại sinh). Mọi thành tựu của sự phát triển không chỉ do nhân tố kinh tế đơn thuần (vốn, tài nguyên) tạo ra mà còn do những nhân tố phi kinh tế (ví như tinh thần Nhật Bản). Đây là quan điểm thể hiện việc đổi mới cách nghĩ, đổi mới tư duy theo định hướng phát triển bền vững. Đảng ta đã khẳng định: mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội là vì con người, do con người. Đó là đường lối phát triển vừa đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại, vừa không ảnh hưởng đến khả năng mà các thế hệ tương lai đáp ứng các nhu cầu của mình.

Trong thực tế ở nhiều địa phương, việc lựa chọn con đường phát triển là một bài toán không đơn giản. Những nơi có điều kiện về vốn, tài nguyên và nhiều lợi thế thu hút đầu tư, họ có thể lựa chọn con đường phát triển kinh tế đi trước làm đòn bẩy để phát triển văn hóa. Quảng Điền chúng ta không có lợi thế trên vì vậy không có con đường nào khác là phải phát triển văn hóa đi trước đồng thời tranh thủ mọi điều kiện để phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển văn hóa và quay trở lại, văn hóa sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Tuy nhiên, cả hai hướng đi nói trên đều có chung một cái đích là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Cơ sở lý luận đã khẳng định rằng: nhân tố con người vừa là đối tượng cần phải tác động, vừa là mục tiêu đặt ra cho quá trình triển khai thực hiện mô hình huyện điểm văn hóa, vì vâỵ, nhân tố con người là trung tâm với tư cách là trái tim của văn hóa.  Mục tiêu lớn nhất trong xây dựng huyện điểm văn hóa là xây dựng con người Quảng Điền phát triển toàn diện (cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trí tuệ, thể lực, kỹ năng lao động); mỗi gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội (ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc); mỗi làng quê, thôn xóm trở thành cộng đồng dân cư phát triển (cả về dân sinh, dân trí, dân chủ). Trên cơ sở đó xây dựng Quảng Điền trở thành huyện có đời sống văn hóa cao theo mô hình huyện điểm văn hóa, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Như vậy, đến thời điểm này trên toàn Quốc đã có 16 đơn vị xây dựng huyện điểm văn hóa, Quảng Điền chúng ta là đơn vị thứ 17.

Những tiền đề thuận lợi...

            Như một đứa con khi rời khỏi vòng tay người mẹ bước vào đời lập nghiệp, hành trang của họ mang theo không chỉ là một ít tiền của lót tay làm vốn mà còn có cả một tài sản không thể thiếu đó là vốn văn hóa mà gia đình, quê hương đã gây dựng. Bề dày văn hóa lịch sử là niềm tự hào của mọi người dân Quảng Điền. Có ai đó nói rằng: nếu anh bắn và quá khứ một phát súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh một viên đại bác. Lịch sử là những gì đã qua, mỗi gốc lúa, bờ tre hiền hậu đã thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của cha ông. Thế hệ chúng tôi và mai sau không có quyền quên đi quá khứ, hơn thế họ càng phải hiểu sâu sắc về quá khứ của quê hương mình để có hướng đi và cách ứng xử phù hợp. Nói đến Quảng Điền nhiều người nghĩ ngay tới thành Hóa Châu – một lỵ sở của Châu Hóa, một thành lũy quan trọng vùng biên cương phía Nam của nước Đại Việt thời nhà Trần (1225-1400). Thời Chúa Nguyễn cũng đã chọn nơi đây để xây dựng hai phủ Phước Yên (1626-1636) và phủ Bác Vọng (1712-1738). Quảng Điền cũng đã sản sinh nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước như: Đặng Tất, Đặng Dung, Đặng Hữu Phổ, Cao Đăng Đệ, Ngô Thế Lân, Trần Thúc Nhẫn... Sau cách mạng tháng Tám, Quảng Điền đã trao cho đất nước hai tên tuổi lừng danh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà chính trị- nhà thơ Tố Hữu. Đời sống của vùng cư dân đầm phá, ruộng đồng, sông nước đã gắn với rất nhiều lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng như: Hội đua ghe, hội vật, hội chợ phiên, hội cầu ngư và các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: hò bá trạo, múa bông, đu tiên... Văn hóa tâm linh cũng đã gắn chặt vào từng ngôi làng với hàng loạt thiết chế văn hóa đặc trưng như: Miếu Bà Thủy, miếu Bà Hỏa, miếu bà tơ, miếu thần nông, miếu ngài Huyền, văn miếu, Đền Dương, đền thờ ngài khai canh, đền thờ ngài khai khẩn, cô đàn cùng với đình làng, chùa làng... Đời sống văn hóa phát triển , đã để lại những dấu ấn văn hóa được ghi nhận: “cơm Mỹ Xá, cá Hộ Yên, tiền Phú Ngạn”, “Trống An Gia, thanh la Thạch Bình, đình họ Khuôn, chuông Thủ lễ”... Thế hệ chúng tôi rất tự hào về bề dày văn hóa mà tổ tiên đã để lại, Quảng Điền thật xứng đáng là một vùng văn hóa của Thừa Thiên Huế và đó là tiền đề quan trọng để ngày nay chúng ta kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là trong tiến trình xây dựng huyện điểm văn hóa.

            Miền quê vùng trũng nghèo khó và lam lũ này cũng đã sản sinh nên những gương mặt miệt mài với đèn sách như là một phương cách để tự bứt ra khỏi sự nghèo khó đeo bám mãi bao đời. Thời Nguyễn đã có hàng chục vị tiến sĩ Hán học nổi danh như Cao Đăng Đệ. Theo N.G.Ư.T Trần Đại Vinh cho biết: riêng ngôi làng Phú Lễ - Quảng Phú đã cống hiến cho nền khoa học nước nhà nhiều Giáo sư đầu ngành về lý luận văn học như GS Trần Đình Sử, GS Nguyễn Xuân Nam, GS sử học Trần Bá Đệ, GS vật lý Trần Bá Chữ và nhiều Giáo sư trong ngành thủy lợi. Quảng Điền là quê hương của thần đồng Toán học Lê Bá Khánh Trình và rất nhiều trí thức, kỹ sư, bác sỹ, văn nghệ sỹ có tên tuổi hiện đang công tác trong tỉnh và trên mọi miền đất nước. Trong điều kiện ít lợi thế hơn so với các địa phương khác nhưng sự nghiệp trồng người trên quê hương Quảng Điền cũng đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao. Nếu như năm học 2002-2003 mới chỉ có 15 học sinh ở ba cấp học đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh và 72 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì đến năm học 2007-2008 đã có 74 học sinh giỏi đạt giải và xếp thứ hai (bậc tiểu học), thứ ba (bậc THCS) và thứ năm (bậc THPT) so với toàn tỉnh, đồng thời đã có 556 học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Quảng Điền cũng là đơn vị tiêu biểu về làm tốt công tác khuyến học. Tổ chức hội khuyến học đã phát triển rộng lớn và đa dạng loại hình, trong đó thành công lớn nhất là khuyến học dòng họ. Câu thành ngữ “con gà tức nhau tiếng gáy” từ lâu vẫn được dùng để chỉ về “bệnh sĩ”, sự hạn chế trong tâm lý tiểu nông cuả người Việt. Nhưng hội khuyến học đã khai thác có hiệu quả tâm lý này để phát triển được 150 chi hội khuyến học dòng họ. Nghĩa là trong khi xã và thôn khó có thể huy động nguồn lực tài chính cho khuyến học thì các vị tộc trưởng lại rất có ưu thế trong vấn đề này. Khuyến học không chỉ dừng lại ở đó mà còn rất tích cực trong việc xây dựng hệ thống thư viện và tủ sách ở ba cấp: huyện, xã và thôn, trong đó thư viện thôn là một mô hình đang được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm. Đây là những chuyển động tích cực không chỉ trong vấn đề xã hội hóa giáo dục mà còn góp phần nâng cao dân trí, tạo nên một xã hội học tập từ cơ sở. Người dân Quảng Điền hôm nay trong quá trình vật lộn với cái nghèo, với miếng cơm, manh áo vẫn day dứt, âu lo về việc học hành của con em. Những tấm gương học sinh nghèo vượt khó, vươn lên học giỏi và lập nghiệp thành công đã có mặt ở nhiều gia đình, nhiều ngõ xóm. Về Quảng Điền, chứng kiến sự trưởng thành của Trung tâm dạy nghề đang được nâng cấp để trở thành trường trung cấp nghề chúng ta có thêm niềm hy vọng tốt đẹp về nguồn nhân lực vững vàng, đáp ứng nhu cầu về chất lượng lao động cho sự phát triển của huyện.

            Quảng Điền là vùng đất thuần nông, con người nơi đây thấm đượm nét lam lũ, giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó của xứ gió Lào cát trắng; vẻ mặn nồng, thoáng đãng, rộng lượng của biển cả; chất ngọt ngào, hiền lành, thơm thảo của ruộng đồng và cả nét dân dã, chất phác, hồn hậu như đầm phá nước lợ Tam Giang. Nét văn hóa của đất và người nơi đây còn thể hiện trên nhiều bình diện, nhiều thành tố văn hóa từ lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, học hành đến phong tục tập quán, cưới hỏi, ma chay, văn chương, nghệ thuật dân gian... Tự hào và yêu mến quê hương ấy là nét đẹp trong suối nguồn tình cảm đằm thắm và sâu sắc của người dân suốt đời gắn bó với lũy tre làng, với ruộng đồng đầm phá:

                        Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!

                        Có ai về Sịa với tôi thì về

                        Đất Sịa có lịch, có lề

                        Có sông tắm mát, có nghề làm ăn...

            Những trở ngại, khó khăn phía trước...

            Con người Quảng Điền tuy thật thà, tốt bụng, sống nghĩa tình, tính cộng đồng cao song có thể thấy còn trì trệ trong tâm lý tiểu nông. Cuộc sống bằng lòng với cái ăn, cái mặc là đủ và tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước hoặc các nguồn lực bên ngoài đang là lực cản cho quá trình đi lên của quê hương. Do trình độ dân trí không đồng đều và nhận thức có mặt chưa đầy đủ nên có nơi, người dân phải còng lưng để gánh vác cho những khoản chi về đời sống tâm linh quá khả năng thu nhập. Các hoạt động ma chay, cưới hỏi, cúng tế, lễ hội, xây lăng đắp mộ...quá tốn kém? Nếu nguồn lực đó đem đầu tư cho giáo dục, mở mang ngành nghề thì tốt biết bao?! Tôi nhớ thời kỳ xây dựng đề án, có một vị cán bộ nọ buột miệng nói rằng: “Giá như Quảng Điền được xây dựng đề án huyện điểm kinh tế thì hay biết mấy?!”. Tôi nghĩ đó không còn là chuyện “dân trí” mà là chuyện “cán trí”!?.

            Khoảng 10 năm trở lại đây khá nhiều ngươì biết: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một giải pháp mang tính chiến lược thể hiện sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta trong tình hình mới. Tuy vậy, phong trào vẫn chưa thực sự chuyển biến về chiều sâu. Công tác tuyên truyền, vận động mang tính “cầm chừng”, thỏa mãn với những thành tích đã đạt được vì vậy một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, nội dung của phong trào. Các địa phương và các ngành vẫn chưa có những giải pháp mới để đẩy mạnh phong trào nên kết quả đạt được chưa cao, nhiều nơi vẫn còn chạy theo số lượng. Sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa, ở một số địa phương, cuộc vận động có chiều hướng lắng xuống. Sự phối hợp giữa các ban, ngành vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, ít giao ban, sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, tìm giải pháp để thúc đẩy phong trào, chưa có đánh giá định kỳ và những giải pháp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc của phong trào. Việc kịp thời biểu dương và nhân rộng mô hình đối với gương người tốt việc tốt, các điển hình tiêu biểu trên tất cả mọi lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức. Những khó khăn, thách thức trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên sâu xa nhất có lẽ là năng lực lãnh đạo, quản lý và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện cuộc vận động chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, cá biệt có nơi cán bộ đã giảm nhuệ khí thì chuyển sang làm văn hóa(!).

            Sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn gặp nhiều khó khăn. Quảng Điền cũng đứng trước những thách thức chung của nền giáo dục cả nước như: yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của nguồn lực kinh tế và trình độ đội ngũ còn hạn chế. Mâu thuẫn giữa yêu cầu chống bệnh thành tích trong giáo dục với nhiệm vụ phổ cập giáo dục đang đặt ra gay gắt. Tư tưởng tiểu nông thể hiện ở quan niệm: “Học là để làm quan”, vì vậy sinh ra chuyện “Thừa thầy, thiếu thợ” và giải pháp phân luồng giáo dục trở nên khó thực hiện.

Mảnh đất chiêm trũng, thuần nông lại nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai và cũng không thuộc diện miền núi, vùng sâu được hưởng chính sách ưu đãi đã tạo nên một Quảng Điền không được xếp vào danh mục vùng trọng điểm đầu tư của tỉnh và càng không thể nói đến khả năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch) là nên chọn những địa phương có nhiều điều kiện, nhất là có tiềm lực phát triển kinh tế để xây dựng huyện điểm văn hóa từ đó tạo nên mô hình điểm để nhân rộng. Như vậy, trở ngại khá lớn đó là nguồn lực vật chất. Tất nhiên, mấu chốt của việc xây dựng huyện văn hóa là vấn đề xây dựng con người và mục tiêu cuối cùng của việc phát triển kinh tế và văn hóa là nhằm nâng cao chất lượng sống của con người, song dân gian đã có câu:“có bột mới gột nên hồ, tay không mà nổi cơ đồ được chăng”?!. Thời gian qua, nhờ sự chi viện của cấp trên cùng với các nguồn lực khác, huyện đã đầu tư nâng cấp một phần đáng kể cơ sở vật chất trường lớp học, xây dựng được một số thiết chế văn hóa cơ bản. Tuy nhiên đến nay những thiết chế tối thiểu nhất như sân vận động, nhà thi đấu đa chức năng vẫn chưa có. Sau nhiều lần điều chỉnh, đề án đưa ra một con số khá khiêm tốn về nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ bản là 33 tỷ. Như vậy mỗi năm bình quân hơn 08 tỷ, trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo hơn 04 tỷ (50%). Con số này đối với tỉnh có thể nói là không lớn nhưng nếu được đầu tư đảm bảo như đề xuất của bản đề án thì sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến không nhỏ. Tất nhiên, đó mới chỉ là nguồn lực đầu tư cho thiết chế vật chất của riêng ngành Văn hóa & Thông tin, còn nhiều lĩnh vực rất tốn kém, chẳng hạn: hệ thống trường học từ mầm non đến THPT phải được tầng hóa; trang thiết bị phải từng bước hiện đại, đạt chuẩn Quốc gia; Công tác đào tạo đội ngũ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải từng bước được đảm bảo nhằm hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương...

            Phía trước là đường chân trời...

            Văn hóa là một mặt trận không kém phần cam go, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng. Xây dựng huyện văn hóa cũng vậy, hiệu quả của nó nằm ở tương lai chứ không thể thấy ngay được! vì vậy, rất dễ nẩy sinh tư tưởng thờ ơ, dao động. Theo chúng tôi có mấy việc cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa:

            Thứ nhất: Phải đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến thực sự từ nhận thức tới hành động. Trước hết là phải đổi mới các hoạt động, nhất là hoạt động văn hóa, giáo dục hướng về cơ sở như: khuyến học dòng họ, tủ sách thư viện thôn, xây dựng và tổ chức các mô hình cưới, hỏi, tang, lễ.... qua đó nhằm đẩy mạnh nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân gắn với việc xây dựng con người mới nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diên trên cả ba mặt: lý tưởng, năng lực và đạo đức, lối sống.

Phát huy những đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của con người Quảng Điền trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trong toàn thể các tầng lớp nhân dân. Triển khai thực hiện thật hiệu quả kế hoạch vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để lập nghiệp, quyết tâm làm giàu chính đáng giai đoạn 2008-2015 của UBND huyện đã được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua tại Nghị quyết số:23-NQ/HU ngày 20/10/2008.

            Thứ hai: Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Quyết tâm đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là công tác xây dựng đơn vị văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng. Khắc phục tình trạng hình thức, chạy theo thành tích trong việc đăng ký và xét công nhận đơn vị văn hóa. Thực hiện nghiêm túc các quy ước làng, cơ quan văn hóa. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cưới hỏi, tang ma, lễ hội, ý thức tuân thủ pháp luật và chấp hành kỷ cương phép nước.

            Thứ ba: Dưới góc độ tiếp cận về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo chúng ta có thể khẳng định: Giáo dục và đào tạo là nguyên lý cơ bản nhất để văn hóa phát triển. Bởi vì giáo dục và đào tạo là nơi truyền thụ, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Xây dựng huyện điểm văn hóa phải lấy giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhiệm vụ trung tâm. Lê Nin đã khẳng định: “Nếu không có giáo dục đào tạo, không có đội ngũ trí thức thì đừng hòng có CNTB hiện đại. Vì vậy, CNXH càng phải có một nền giáo dục phát triển, phải có đội ngũ trí thức nhiều hơn nữa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu dựng nước, người đã chỉ ra rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Muốn xây dựng CNXH phải biến một đất nước dốt nát thành một nước có nền văn hóa cao và một trình độ khoa học phát triển”. Đối với chúng ta, nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả đề án phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trước hết cần thực hiện tốt cuộc vận động “2 không” với 4 nội dung và cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Quan tâm nhiều hơn công tác khuyến học, xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở. Quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn, trường chất lượng cao. Thực hiện tốt phân luồng giáo dục, quan tâm đầu tư phát triển dạy nghề, tăng cường đào tạo và chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

            Thứ tư: Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân. Huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở nông thôn như điện, đường, trường, trạm. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức bách: nước sạch, vệ sinh môi trường, các công trình phục vụ dân sinh, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo hiểm, y tế... Phát triển mạnh hệ thống thư viện trường học và thư viện thôn  để phục vụ tốt văn hóa đọc và nhu cầu tiếp cận thông tin tri thức khoa học. Khuyến khích phát triển các nhà văn hóa gắn với loại hình câu lạc bộ nhằm tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh và tạo điều kiện cho nhân dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả vai trò tuyên truyền, phổ biến tri thức của mạng lưới truyền thanh từ huyện đến cơ sở, khuyến khích phát triển hệ thống báo điện tử ở các cơ quan, trường học và các địa phương. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Nhanh chóng đầu tư xây dựng sân vận động, nhà thi đấu đa năng. Từng bước xây dựng cụm thiết chế văn hóa các xã, thị trấn. Đầu tư chống xuống cấp các đình làng, các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử của các địa phương. Tiến hành khảo sát lập hồ sơ di tích, xây dựng các nhà trưng bày tại các điểm du lịch tiêu biểu như thành Hóa Châu, Phủ Phước Yên, Bác Vọng. Xây dựng khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu, bảo tàng tổng hợp.

            Thứ năm: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa. Trước hết cán bộ lãnh đạo của các địa phương cần nhận thức một cách đầy đủ về nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để có phương pháp lãnh đạo, quản lý tốt nhất nhằm tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Về tổ chức bộ máy, cần có chính sách ổn định và quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa các xã, thị trấn. Quan tâm xây dựng bộ máy cán bộ thôn có tâm huyết và kinh nghiệm. Sắp xếp, bổ sung đội ngũ cán bộ, văn hóa cấp huyện đủ mạnh để tham mưu cho UBND huyện quản lý lĩnh vực văn hóa đồng thời tổ chức tác nghiệp hoạt động sự nghiệp của ngành.

            Thay cho lời kết...

Trong các nguồn lực để phát triển bao gồm: lao động, khoa học công nghệ, vốn và tài nguyên, cơ sở lý luận đã xác định tính chất quyết định của nhân tố nguồn lao động, nhân tố con người là nguồn lực cơ bản có vai trò ảnh hưởng, chi phối và quyết định đến các nguồn lực khác. Như vậy hướng đi từ con người đến mục tiêu vì chất lượng cuộc sống của con người đã mở ra niềm tin tưởng lớn lao cho chúng ta khi tiến hành thực hiện đề án huyện điểm văn hóa.

Khi viết bài này tôi chợt nhớ đến những lời tâm tình thật sự tâm huyết của đồng chí Trần Phước Hinh- nguyên Bí thư huyện ủy Quảng Điền: “Xây dựng huyện điểm văn hóa không phải chỉ là quan tâm đến chuyện cờ, đèn, kèn, trống, leo, trèo, cắt, dán hay bao nhiêu cổng chào, bao nhiêu sân bóng và nhà văn hóa...mà cái quan tâm lớn nhất, xuyên suốt trong tư tưởng của mọi người, nhất là người cán bộ văn hóa là vấn đề xây dựng con người Quảng Điền như thế nào để góp phần làm cho vùng quê lúa chiêm trũng này thật sự thay da đổi thịt, không thua chị kém em”. Nhìn về những mảnh đất nghèo khó như Hà Tĩnh, Nghệ An mà ngày nay lại có rất nhiều người thành đạt ở trên khắp mọi nẻo đường đất nước, chúng tôi lại càng thấm thía lời nói của đồng chí biết chừng nào...

Hoàng Đăng Khoa (Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Huyện Quảng Điền)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.299.939
Truy câp hiện tại 2.911