Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Hội khuyến học Quảng Điền với phong trào thi đua xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Ngày cập nhật 13/04/2009
Đ/C Nguyễn Mạnh Cầm làm việc với Hội KH huyện

 

 

 

Hiếu học là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc là một đặc trưng của văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam. Trải qua bao biến cố lịch sử, con người Việt Nam dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đều quan tâm chăm lo cho việc học bởi có học mới có tri thức để xây dựng và phát triển đất nước. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật, thế giới chuyển sang nền kinh tế tri thức thì sự học càng đặc biệt quan trọng.
Quảng Điền vốn là vùng đất hiếu học, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp giáo dục của địa phương cũng được chú trọng. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, nhân tài hiền sĩ thời nào cũng có; nhiều tên đất, tên làng đã gợi nhớ đến tinh thần ham học như Phước Yên, Phú Lễ, Phổ Lại, Niêm Phò...Tinh thần ham học, trọng nhân nghĩa, sống thuỷ chung, đượm tình nhân ái là truyền thống vốn có của nhân dân Quảng Điền từ ngàn xưa. Nhiều danh nhân của mãnh đất Quảng Điền đã được ghi vào sử sách như Trần Thúc Nhẫn, Đặng Hữu Phổ, Ngô Thế Lân, Đặng Tất, Đặng Dung...Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước đã có nhiều người con ưu tú, những nhà cách mạng trung kiên trong các lĩnh vực chính trị, văn hoá, quân sự, khoa học kỹ thuật, lao động sản xuất để đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, mà tiêu biểu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, các nhà khoa học đầu ngành như Trần Bá Đệ, Trần Bá Chữ, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam...
Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, nhân dân đã đoàn kết phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: hệ thống giáo dục từ mầm non đến phổ thông trung học được xác lập đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Cơ sở vật chất trường học đang dần dần được kiên cố hoá và chuẩn hoá, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao.
Trong những năm qua, phong trào khuyến học của huyện Quảng Điền đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm hưởng ứng, cổ vũ và triển khai hoạt động đến tận các khu dân cư.
              Hội là tổ chức xã hội của mọi công dân, có tâm huyết với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, tự nguyện góp sức phấn đấu cho phong trào “toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục, xây dựng một xã hội học tập” nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở địa phương. Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ về tinh thần, vật chất của mọi tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước vì sự nghiệp khuyến học khuyến tài.Khuyến khích và hỗ trợ dạy và học trong nhà trường và phong trào học tập thường xuyên trong nhân dân nhằm góp phần nâng cao trình độ văn hoá, trình độ nghề nghiệp của mọi người trong xã hội, đặc biệt chú ý người nghèo, người khuyết tật, người có năng khiếu.
Nghị quyết Đại hội Hội khuyến học huyện nhiệm kỳ 2003-2008 đã xác định xây dựng Hội và phát triển mạng lưới hội viên có ý nghĩa quan trọng. Sau Đại hội, Ban chấp hành đã chủ động phối hợp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các cấp, tích cực sâu sát cơ sở, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân. Tập trung đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố hội khuyến học từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là đôn đốc, giúp đỡ các xã, thị trấn chuẩn bị nội dung đại hội. Mặc dù, một số địa phương, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, chỉ trong một thời gian, hội cơ sở xã, thị trấn, các cơ quan, ban ngành cấp huyện, các trường học đã tiến hành tổ chức đại hội. Từ đây đã lần lượt ra đời các chi hội khuyến học thôn, làng, các chi hội khuyến học họ tộc. Bên cạnh phát triển Hội trên địa bàn, hội khuyến học huyện đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo đến việc vận động xây dựng và phát triển chi hội khuyến học đồng hương tại các địa phương trên toàn quốc như Chi hội khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế, Chi hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà nẵng,…Hội khuyến học xã Quảng Vinh và một số xã cũng đã vận động xây dựng và phát triển chi hội khuyến học đồng hương ở nhiều tỉnh, thành trong nước.
            Ban thường vụ Hội khuyến học huyện đã tổ chức họp định kỳ để kịp thời chỉ đạo việc tổ chức xây dựng hội ở các cơ sở, phân công, phân nhiệm về trực tiếp chỉ đạo giúp đỡ các địa phương hoàn thành kế hoạch xây dựng và phát triển hội trên địa bàn, đồng thời đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hội ở các cấp ngày càng vững mạnh, điển hình là các Hội xã Quảng Vinh, Quảng Công, Hội trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, Hội cơ quan Công an, Văn phòng HĐND - UBND, Văn phòng Huyện uỷ,…
            Đến nay, qua hơn 05 năm xây dựng và phát triển, trên địa bàn huyện có 11/11 xã, thị trấn đã có Hội cơ sở được thành lập và hoạt động có hiệu quả; 100/102 Chi hội khuyến học làng, thôn. Ngoài ra, đã xây dựng; 24 Chi hội khuyến học của trường học; 29 Chi hội khuyến học của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; 89 Chi hội khuyến học dòng họ. Số lượng hội viên khuyến học hiện có: 4.066 hội viên, trong đó có 1.014 hội viên tán trợ.
            Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, Hội khuyến học huyện đã quan tâm chỉ đạo việc phát triển nhanh và vững chắc hệ thống tổ chức hội của mình tới cơ sở, đồng thời triển khai nhiều nội dung hoạt động bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo. Công tác tập huấn cho lực lượng cán bộ chủ chốt được Huyện hội quan tâm triển khai tích cực và có hiệu quả thiết thực. Có thể nói rằng công tác tuyên truyền, huấn luyện đã đóng góp rất hiệu quả cho các hoạt động khuyến học của Hội.
            Phát huy vai trò, chức năng và nhiệm vụ của hội khuyến học trong tình hình mới. Trong thời gian tới, Hội khuyến học huyện Quảng Điền chỉ đạo các cấp hội tiếp tục thực hiện và quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Đại hội hội khuyến học huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2008-2013; Chỉ thị số 11/CT-TW của Bộ chính trị và Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng xây dựng xã hội học tập không những góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, mà còn tạo điều kiện cho việc xây dựng một cuộc sống lành mạnh, một xã hội văn minh, ngăn ngừa và khắc phục những tệ nạn xã hội, những tiêu cực trong đời sống, đang là nổi bức xúc của mọi người, nó góp phần ổn định chính trị - xã hội. Từ đó chúng ta hiểu rõ trách nhiệm rất nặng nề, nhưng cũng rất vẽ vang mà Hội khuyến học của đảm đương.
Từ thực tế đó, Nghị quyết Đại hội hội khuyến học huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2008-2013 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng tổ chức Hội và đẩy mạnh các hoạt động của Hội, động viên cán bộ, hội viên tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nhiệt tình, tâm huyết, nâng cao năng lực tư duy sáng tạo đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, tích cực tham gia đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở theo tinh thần xã hội hoá, hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ có hiệu quả đối với ngành Giáo dục-Đào tạo, liên kết mọi lực lượng xã hội tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra nhiều cơ hội để mỗi người dân thực hiện được nhiệm vụ học tập suốt đời, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của quê hương, đất nước”. (NTL)           
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.291.946
Truy câp hiện tại 36.785