Tìm kiếm tin tức

 
 

 

TRÊN QUÊ HƯƠNG ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH
Ngày cập nhật 21/01/2009

Trong những năm tháng chiến tranh, mỗi tên đất, tên làng trên quê hương Thừa Thiên Huế đều ghi dấu bao chiến công. Có một vùng đất ven dòng sông Bồ đã đi vào lịch sử dân tộc gắn liền với tên tuổi của vị Đại tướng tài ba Nguyễn Chí Thanh - đó là xã Quảng Thọ,  huyện Quảng Điền.

            Xã Quảng Thọ là địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có 363 người con của Quảng Thọ hy sinh vì nước. Chúng tôi về thôn Phước Yên viếng thăm Đài Tưởng niệm Tổ quốc ghi công của xã Quảng Thọ. Chính tại mảnh đất này trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, nổi tiếng nhất là hai trận đánh với mật hiệu K8, K10. Những mảnh vườn xung quanh nơi này bây giờ là vườn sắn nhưng trước kia, vùng đất này ác liệt lắm, nhân dân Quảng Thọ kiên cường chiến đấu từng trận với quân thù để giành đất, giữ đất cho cách mạng. Ngay khi đào móng để xây đài tưởng niệm, nhân dân đã phát hiện một hài cốt liệt sĩ với những di vật như bạt dù, giày cao su, nói về vùng đất lịch sử này, ông Nguyễn Xuân Dũng-cán bộ lão thành cách mạng-gần 70 năm tuổi Đảng ở xã Quảng Thọ xúc động kể: “Vùng đất này trước đây đánh nhau ác liệt lắm. Có lúc bộ đội và dân quân của mình đánh chết cả mấy chục tên giặc. Xác chúng chất cả đò để đưa đi chôn”.

           Toàn xã Quảng Thọ có 1.330 hộ, thế nhưng đã có đến 145 gia đình thuộc diện chính sách đang hưởng trợ cấp (chiếm 12 %). Ông Nguyễn Xuân Dũng là cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1936, đến năm 1938 ông bị địch bắt cùng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bị giam ở Lao Thừa Phủ, chính trong tù ông được kết nạp Đảng. Ở xã Quảng Thọ bây giờ chỉ còn mình ông là cán bộ thời tiền khởi nghĩa còn sống. Ông là nhân chứng lịch sử của vùng đất cách mạng Quảng Thọ, là người có những kỷ niệm thời niên thiếu với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

              Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là niềm tự hào của đất nước Việt Nam, của nhân dân Thừa Thiên Huế trong đó có xã Quảng Thọ anh hùng. Quê hương Quảng Thọ đã nuôi dưỡng người con ưu tú của mình và từ mảnh đất này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bắt đầu cuộc đời hoạt động Cách Mạng của mình. Những công trình tưởng nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên quê hương Quảng Thọ đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cũng như nêu lên một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

             Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hoà bình là điều kiện để chăm lo cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công được tốt hơn. Cuộc sống của những gia đình chính sách trên địa bàn xã Quảng Thọ hiện đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân trong xã, 100% gia đình chính sách đều ở nhà xây. Hết chiến tranh, những người lính năm xưa lại trở về với ruộng đồng của mình, chăm lo làm ăn, góp phần xây dựng quê hương, gia đình. Ngày quê hương giải phóng, người thương binh Lê Văn Lễ trở về quê hương, chí thú làm ăn như một người  nông dân thực thụ. Năm 2005, phong trào giúp đỡ xây nhà cho gia đình chính sách, ông được hỗ trợ 20 triệu đồng, phần gia đình đầu tư thêm gần 40 triệu. Bây giờ ông đã có một ngôi nhà ngói kiên cố, không còn lo sợ khi mùa mưa bão về. Ông Lễ là một trong hàng trăm trường hợp gia đình chính sách nay có cuộc sống đầy đủ và no ấm ở xã Quảng Thọ bây giờ.

           Những ruộng lúa, vườn cây đang lên xanh tốt trên mảnh đất ngày xưa đã thấm máu bao người con của Quảng Thọ. Trường mới đang được xây dựng bên cạnh Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công. Cũng như bao miền quê khác, sự nghiệp giáo dục đang được quan tâm đầu tư trên quê hương Quảng Thọ. Những tiếng học bài của các em nhỏ ngày ngày vọng đến đây chắc chắn sẽ làm vui lòng những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất này.

Và những người con của Quảng Thọ cũng đã được tìm về với quê hương. Trong những năm qua xã đã tìm kiếm và quy tập 7 mộ liệt sĩ đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã, trong đó có hài cốt đưa về từ Quảng Bình và một từ chiến khu Trò.                                                                                                                 

Nghĩa trang liệt sĩ của xã. Nắng tháng bảy trải dài trên những hàng mộ đá. Những dòng tên khắc trên hai tấm bia đá như lặng thầm mà nặng bao nghĩa tình: 127 liệt sĩ hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, 162 liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ và 4 liệt sĩ hy sinh sau hoà bình. Những liệt sĩ đã nằm xuống, có người là Bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế như đồng chí Nguyễn Minh Đạt (hy sinh ngày 25.11.1959), có người là huyện uỷ viên, tiểu đội trưởng, chiến sĩ giao liên, dân công, đội viên du kích, lái xe, liên lạc, cán bộ phụ nữ...Tên của các anh, các chị đã hoà vào tên của đất nước, hồn thiêng của các anh chị đã hoà nhập vào dòng sông Bồ để tưới mát cho làng quê Quảng Thọ thân yêu.

                                                                Nguyễn Khoa

                                                                                                                             

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.308.117
Truy câp hiện tại 8.359