Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Từ thành cổ Hóa Châu đến đình làng Thủ Lễ
Ngày cập nhật 14/01/2009

            Trong tuyệt bút “ Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “ Châu Hoá! Tổ quốc đã trao cho nó một mảnh đất - đứng giữa ngã ba sông này, và nó đã trụ vững ở đây qua bão táp của bao thế kỷ, giống như một hòn đảo huyền thoại. Châu Hoá! chiều nay tôi muốn gọi nó bằng cái tên vinh quang một lần đất nước đã tuyên dương “ vạn lý Trường Thành ở phương Nam

            Vùng đất huyền thoại mà nhà văn của chúng ta đã kính cẩn gọi tên đó bây giờ vẫn còn lưu dấu tích của mấy trăm năm về trước. Những tên đất tên làng như Thành Trung, An Thành, Tây Thành, Tiền Thành hay những đám ruộng Thành Dọc, Thành Ngang và cả con sông đào Kinh Dao hay còn có một tên gọi khác là sông Thanh Hà vẫn âm thầm chảy theo thời gian lịch sử. Thành Hoá Châu xưa bây giờ có lẽ đang ngủ yên dưới lòng đất. Đó từng là một khu thành hình chữ thập, ngoảnh mặt ra sông Hương, với hệ thống kênh rạch bao quanh sát bốn chân thành. Nơi đây đã từng chứng kiến những trận chiến của quân dân Đại Việt để giữ yên bờ cõi. Danh tướng Trương Hán Siêu, tác giả của “Bạch Đằng Giang Phú” từng đến nơi này. Hai cha con anh hùng Đặng Tất, Đặng Dung từng quyết tử ở cửa thành này và để lại cho hậu thế những vần thơ khí khái: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch- Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma (Thù nước chưa xong đầu đã bạc - Gươm mài bóng nguyệt đã bao lần). Một Hoá Châu oai hùng chỉ còn lưu danh trong sử sách, như viên đá này còn mang hồi quang xa xôi của toà thành cổ.         

Trên nền thành Hoá Châu cũ, làng Thành Trung nổi tiếng với nghề trồng rau. Rau Thành Trung từng đã cung tiến cho vua và rất nổi tiếng với tên gọi “rau phường Thành”. Trong cái nắng vàng như mật ong của những ngày cuối Thu, những vườn rau của làng Thành Trung càng mướt xanh hơn. Làng quê từng là trung tâm của thành Hoá Châu xưa bây giờ bình yên trong sắc xanh của rau. Rau từ nhà ra ngõ, rau điểm xuyết cho cảnh sắc của làng. Ở đây rau tươi tốt gần như quanh năm. Những ngò, cải, tần ô, rau thơm, xà lách... cứ thế trổ lá đơm hoa là nguồn thu nhập chính của dân làng từ xưa đến nay, mà nói như ngôn ngữ của họ là “mớ rau- thau bạc”. Sẽ chẳng mấy ai biết rằng nơi đây đã từng là một cửa ải uy hùng, là thủ phủ của nước Đại Việt kháng chiến thời Hậu Trần. Tầm vóc của Hoá Châu đối với lich sử dân tộc là vô cùng lớn. Nhưng thành cổ Hoá Châu xưa vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử. Một sự lãng quên thật đáng tiếc và cũng thật đáng trách:“ Lòng ta là những hàng thành quách cũ - Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”. Châu Hoá chiều nay tôi về bỗng như nghe âm âm tiếng trống trận và lời thơ thống thiết của Đặng Dung. Giọng thơ yêu nước đó đã lay đọng qua mấy trăm năm. Ai về Hoá Châu xưa?

Từ thành Hoá Châu xưa, xuôi theo tỉnh lộ 4 khoảng 10 km là một vùng đất nổi tiếng với cái tên mang dấu ấn Chămpa: thị trấn Sịa. Có lẽ vùng đất Sịa này đã được nhiều bài viết đề cập. Ở đây chúng tôi muốn nói đến một di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia gắn liền với sự phát triển của Sịa: đình làng Thủ Lễ. Ở Thừa Thiên Huế có 2 ngôi đình gắn liền với lễ hội vật ngày xuân đó là đình làng Lại Ân gắn với vật Sình và đình Thủ Lễ gắn với vật Sịa. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng, tiếng trống khai hội vật Thủ Lễ lại thúc giục những làng quê náo nức vào hội. Sân đình làng Thủ Lễ cũng là sới vật ngày xuân để các chàng trai khoẻ mạnh cùng đọ sức, đua tài trong hội vật.

            Làng Thủ Lễ- thị trấn Sịa- huyện Quảng Điền là một làng cổ vùng đồng bằng gần với phá Tam Giang. Lịch sử của làng Thủ Lễ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng Sịa. Cũng như bao làng quê khác, cùng với sự hình thành của làng, hệ thống kiến trúc đình- chùa ra đời. Các công trình này dù lớn hay nhỏ cũng đều là sản phẩm của sự đóng góp chung trong cộng đồng dân cư từ những buổi đầu lập ấp dựng làng. Đến nay chưa có tài liệu nào nói rõ năm tháng hình thành làng Thủ Lễ cũng như thời gian xây dựng và kiểu dáng của Đình Thủ Lễ. Chỉ biết rằng Đình Thủ Lễ đã trải qua 3 lần trùng tu, lần trùng tu thứ 3 là vào năm 1893 tức năm Thành Thái thứ 2. Đình làng Thủ Lễ nằm ở trung tâm của làng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng kiến trúc của ngôi đình này vẫn còn như nguyên vẹn gồm 5 gian, 2 chái, hai phía tả hữu của khuôn viên đình là 2 nhà tăng. Trước đình là khoảng sân rộng, với bức bình phong, hồ sen và tứ trụ biểu nhìn ra cánh đồng trước mặt. Ngôi đình làng Thủ Lễ là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật, là ngôi nhà chung của một cộng đồng làng. Nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết của mọi người dân trong làng đã được giữ gìn như một nếp sống truyền thống của dân làng Thủ Lễ. Cũng như bao làng quê khác, người dân làng Thủ Lễ đã sống trong phong cảnh hài hoà của ngôi Đình, cây đa bến nước, luỹ tre làng… Đó cũng là chứng tích  hồn thiêng của một làng quê, là di sản văn hoá truyền thống của dân tộc trên một vùng đất cụ thể mà biết bao thế hệ đã cống hiến máu xương và công sức để vun đắp nên. Đình làng Thủ Lễ là một di tích kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Huế, có niên đại xây dựng tương đối sớm với nhiều giá trị đặc sắc. Đây là một nguồn sử liệu vật chất trực tiếp, một dấu ấn văn hoá sâu đậm góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thế kỷ 19. Mang phong cách nhà rường Huế, với kiểu dáng quy mô, kỹ năng mỹ thuật, các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Những đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của đình làng Thủ Lễ với những nét sáng tạo, cách tân, giàu tính nhân văn nói lên nguyện vọng thiết thân của cư dân nông nghiệp cầu mưa thuận gió hoà, vật lực phồn thịnh, nước nhà yên ổn… Hiện nay, tại ngôi đình này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý đó là: một khánh đá dùng để làm hiệu lệnh tập họp dân làng; phiến đá bùa dùng để yểm các loại ôn dịch cầu mong cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt, 57 sắc phong của các vua nhà Nguyễn từ thời Minh Mạng đến thời Bảo Đại…Với trên 200 năm tồn tại, đình làng Thủ Lễ vẫn còn lưu giữ hệ thống kiến trúc cùng với những văn bản, hiện vật quý hiếm phản ánh mối quan hệ mật thiết trong tổng thể các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Đình làng Thủ Lễ với những giá trị lịch sử của mình còn là chiếc cầu nối để giữ gìn một hành lang đô thị cổ: Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, thị trấn Sịa… góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hoá lịch sử của một huyện lỵ Quảng Điền.

                                                                Lê Thục Nhã

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.310.924
Truy câp hiện tại 10.202