Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Thành Trung - nét đẹp của thành cổ Hóa Châu
Ngày cập nhật 13/12/2008

Thành Trung là một làng quê ở cuối hạ lưu sông Bồ thuộc xã Quảng Thành huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề trồng rau xanh truyền thống, làng được hình thành vào khoảng thế kỷ 17 – đây là trung tâm của thành cổ Hóa Châu xưa - một trong những thành luỹ quan trọng của Vương quốc Chămpa, là trung tâm hành chính kinh tế của xứ Thuận Hóa thời Trần, Lê và Mạc.

           Cũng như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam thân yêu, với luỹ tre, đình làng, cây đa, bến nước - làng Thành Trung còn có những nét văn hóa riêng rất độc đáo như khu dân cư được  chia giữa hai đường hương lộ tiền hậu; những đường xóm cắt ngang vuông góc đều đặn, nối liền với đường trước và sau, ranh giới giữa xóm với vườn, giữa vườn này, vườn nọ là những hàng chè tàu thẳng tắp được cắt xén gọn gàng...Thành Trung có Thập nhị tôn phái, mỗi Họ đều có một nhà thờ nằm ở mặt tiền, tất cả các hướng nhà đều xây về một phía, xóm 1 hướng Tây, giáp Tây Thành, xóm 2,3 hướng Đông giáp Kim Đôi. Mười hai Họ ở Thành Trung được chia thành 3 phường: phường Tây, phường Trung và phường Đông nhưng các Họ tập trung ở phường Trung là chính. Thông qua gia phả các Họ tộc cho thấy làng Thành Trung thành lập vào những năm cuối của thế kỷ 17 - khi Hóa Châu không còn là phên dậu đàng trong, nói đến Thành Trung là nói đến trung tâm thành cổ Hóa Châu xưa, “...thuở ấy, khi Thăng Long bị giặc chiếm, thành Hoá Châu nghiễm nhiên trở thành thủ phủ của nước Đại Việt thời Hậu Trần, cái mốc năm 1306, năm mà quân dân Đại Việt vào đây tiếp quản từ tay người Chăm, thì khái niệm dựng Làng lập Họ ở đây chưa được hình thành, nhưng trấn giữ miền biên ải này là một lực lượng dân quân hùng mạnh và tất nhiên trong đó cũng có vợ con của quân lính đã theo chồng trên bước đường trường chinh dựng nước, khi bờ cõi mở mang về phía Nam, khi Hoá Châu không còn là vị trí chiến lược thì cộng đồng dân cư này bám trụ sinh con, đẻ cháu và dựng Làng lập Họ cho đến ngày hôm nay...” Làng Thành Trung còn có đình làng là nơi thờ Bổn vị tổ tiên, cũng là nơi sinh hoạt lễ hội của dân làng.

            Chùa Thành Trung cũng được hình thành khá lâu đời, vào năm 1745 do nhân dân trong làng đóng góp công sức để xây dựng ở vị trí giữa làng, nền Chùa nằm ngang giữa đoạn Thành Nội đã được san bằng, đây là nơi thờ tự, sinh hoạt, học đạo của bà con Phật giáo. Đến đời Vua Tự Đức - trong một lần đi tuần du phương Bắc ngang qua thành nội Hóa Châu, nhìn vẻ uy nghi cổ kính của ngôi chùa nên đã sắc phong Chùa Thành Trung là Kim Thành Tự. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu, sữa chữa nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng. Đặc biệt, tại ngôi chùa cổ này hiện còn lưu giữ 4 hiện vật rất có giá trị gồm chuông đồng hay còn gọi là Đại Hồng Chung được đúc vào năm Thành Thái thứ 18 và 3 tượng cổ bằng gỗ, trong đó có tượng thần Visnu - một tượng cổ thờ vị thần bảo hộ của người Chăm mà dân làng lưu giữ được - đây là một minh chứng sinh động về sự giao thoa giữa hai dân tộc Chăm - Việt, về sự tồn tại hàng trăm năm của 1 pho tượng, 1 hiện vật có giá trị về nhiều mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật...bên cạnh đó tượng Phật Thích Ca và tượng Phật Địa Tạng cũng có niên đại hàng trăm năm...Đây là những hiện vật có giá trị niên đại về văn hóa truyền thống của dân Thành Trung - nơi gắn liền với di tích Thành Hóa Châu, mà một thời là thủ phủ Đàng Trong của nước Đại Việt. Trên cơ sở những giá trị lịch sử văn hóa của ngôi chùa cũng như các hiện vật hiện có tại chùa Thành Trung, nên ngày 17 tháng 10 năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định công nhận chùa Thành Trung là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

            Tự hào với di tích lịch sử văn hoá đã được công nhận, hiện nay bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa chùa Thành Trung được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi chùa cổ - chùa Thành Trung. Như vậy là cùng với làng rau Thành Trung, cùng với quần thể di tích của Thành cổ Hóa Châu, Quảng Thành có thêm một địa chỉ để du khách có thể đến thăm đó là di tích lịch sử văn hóa mang đậm nét văn hóa ChămPa: chùa Thành Trung - Kim Thành Tự

            Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha đã dày công vun đắp, ngày nay bà con nhân dân làng Thành Trung xã Quảng Thành sẽ tiếp tục phát huy nghề trồng rau xanh truyền thống, từng bước xây dựng nên thương hiệu rau xanh Quảng Thành – “Mớ rau - thau bạc” câu nói cửa miệng của Ông cha ta từ bao đời, nay vẫn còn đúng với thực tế, bởi từ rau xanh Thành Trung, nhiều ngôi nhà mới được mọc lên, nhiều con đường mới được hình thành...và cùng từ làng rau Thành Trung này - một mai đây Quảng Điền sẽ hình thành nên tuyến du lịch cộng đồng sinh thái, giới thiệu với du khách gần xa về rau xanh Thành Trung, về những bức tượng cổ ở Kim Thành Tự và về thành cổ Hóa Châu xưa...

                                                         Thanh Phượng

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.313.653
Truy câp hiện tại 12.008