Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Một ngày với gia đình đồng chí Tố Hữu
Ngày cập nhật 18/02/2009

Thời còn là học sinh cấp 2, tôi đã yêu mến và thuộc rất nhiều bài thơ của ông. Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa, đến tập thơ Một tiếng đàn là cả một kho tàng thơ ca đồ sộ của nhà thơ Tố Hữu cống hiến cho Đảng, đất nước và dân tộc. Có lẽ chưa có ai lại gắn cuộc đời và con đường thơ của mình một cách sâu sắc, sát thực và đầy đủ với con đường đầy máu lửa và vinh quang của Cách mạng Việt Nam như nhà thơ Tố Hữu. Quá nhiều năm bộn bề với việc học hành và công tác nên có những khoảnh khắc có phần lãng quên...Đến một ngày đầu tháng 7 năm 2008, may mắn thay tôi được tham dự cuộc đón tiếp lần trở về thăm quê của gia đình nhà thơ Tố Hữu.

Lần này về quê, bà Nguyễn Thị Thanh (vợ đồng chí Tố Hữu, trước đây là cán bộ Ban tuyên huấn Trung ương) đã gồng gánh cả đại gia đình: Anh Phương- người con cả hiện đang công tác tại tập đoàn dầu khí Vũng Tàu cùng đứa con trai bụ bẫm cũng chính là đứa cháu nội đích tôn của nhà thơ; Chị Hoa hiện đang công tác ở Đức lần này trở về cùng đứa con gái đầu; Chị Hồng cùng chồng là một doanh nhân có tiếng ở Sài Gòn đã mang theo cả gia đình. Chuyến đi còn có cả người cháu của nhà thơ hiện là giám đốc một khách sạn lớn tại Huế và một số bà con bạn bè thân hữu.

Điểm dừng chân đầu tiên của gia đình nhà thơ là trường THCS và THPT Tố Hữu, một ngôi trường mới được thành lập nằm bên kia Phá Tam Giang. Từ xa, tôi đã thấy thấp thoáng sau cổng trường, dẫn đầu đoàn người là một bà cụ ngoài 80 với những bước đi khó nhọc. Tôi cảm nhận được nụ cười hiền lành, nhân hậu nhưng không dấu nổi chất trí tuệ và từng trải trên gương mặt của người đàn bà xứ Thanh từng gắn bó cả cuộc đời với một thi sĩ, chiến sĩ, nhà chính trị Tố Hữu. Với những lời tâm tình trầm ấm, bà Thanh xúc động nói lên những rung cảm sâu sắc và cả những ý nguyện của một con người đã ở thời kỳ “gần đất, xa trời” muốn bộc bạch với quê hương của chồng. Trong đó bà gửi gắm những ý nguyện giản dị mà lúc còn sống nhà thơ chưa làm được đối với quê hương. Trên bàn tay run run, bà xúc động tặng nhà trường bức ảnh ghi lại cảnh Bác Hồ trao văn bản với những bút tích sửa chữa và những trao đổi của Người về bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” mà đồng chí Tố Hữu được Bác giao nhiệm vụ khởi thảo; đồng thời, tặng quỹ học bổng cho nhà trường (20 triệu đồng mỗi năm). Thầy giáo hiệu trưởng xúc động nhận quà và vui vẻ báo cho mọi người biết: Trường đang được cấp trên quan tâm, đầu tư xây dựng một cơ sở mới rất bề thế. Chợt nhìn quanh căn phòng dành cho Hội đồng giáo dục nhà trường mà mọi đồ vật đã quá cũ, vẫn giọng chậm rãi và trầm ấm, bà bộc lộ: Ngay tại quê hương Quảng Điền có một ngôi trường trung học khang trang mang tên Tố Hữu thì quả không có gì sung sướng bằng !

Rời trường, chúng tôi cùng trở về xã Quảng Thọ, quê của đồng chí Tố Hữu. Sau mấy phút dừng chân tay bắt, mặt mừng với các anh ở UBND xã, bà Thanh bày tỏ nguyện vọng muốn thăm lại ngôi nhà và mảnh vườn xưa, nơi đã từng gắn bó máu thịt với tuổi thơ của chồng. Đó là một mảnh vườn chừng 4.000 m2 nằm sát Tỉnh lộ 8A và cầu Nguyễn Chí Thanh. Phía sau khu vườn là một nhánh sông Bồ uốn lượn và rợp mát bóng cây. Mảnh đất Phù Lai (Tân Xuân Lai) một thời nổi tiếng với hương vị quê nhà, cây Nưa. Chủ nhà là anh Phương, người cháu gọi đồng chí Tố Hữu là chú ruột trong dáng vẻ bần thần ra tiếp mọi người. Trên gương mặt còn dính những sợi tóc bạc và thấm mệt, bà Thanh lần từng bước đi thắp nén nhang cho tổ tiên. Bàn tay nhăn nheo sạm nắng của bà xuýt xoa từng bức ảnh đã nhuốm màu thời gian. Bất giác, bà lần bước ra sau vườn. Gió từ bờ sông thổi lên mát lịm người. Mái tóc bạc trắng và đôi mắt hiền từ dõi theo từng gốc cây, ngọn lá trong khu vườn. Bản năng thức dậy làm tôi chợt nhớ mấy câu thơ nổi tiếng của Tế Hanh:

            “Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh

              Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc

              Hai ta ở hai đầu công tác

              Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa!”

Đồng chí Tố Hữu ngày xưa xa quê cũng từng viết những câu thơ nao lòng:

            “Ôi cơ chi anh được về bên nội

              Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai !”.

Trong hương vị ngọt ngào của bát nước chè là những câu chuyện râm ran. Ông Cao Xuân Phụ, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng là một người con của đất Quảng Thọ anh hùng vui vẻ báo cho gia đình bà Thanh biết về dự định và ước muốn cháy bỏng của mọi người là xây dựng ngay trên mảnh vườn này khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu. Một thoáng bừng sáng trên gương mặt, bà tỏ ra mừng lắm nhưng rồi ánh mắt chợt trầm hẳn. Bà tâm sự: lần này về quê không biết có còn sức khỏe để trở lại nữa không, ấn tượng lớn nhất của bà là con người quê mình hiền lành, tốt bụng nhưng cũng còn lam lũ và khó nhọc. Sau bao năm hòa bình và có nhiều thay đổi nhưng quê hương vẫn còn nghèo lắm. Khát vọng của mọi người về việc đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa tại đây để những người trên khắp mọi miền có thể đến thăm Tố Hữu và nhớ về một thời kỳ vang vọng trong lịch sử cách mạng là rất cần thiết nhưng không dễ chút nào! Bà cảm ơn những gì quê hương đã dành cho gia đình trong chuyến đi này và hứa trong thời gian tới sẽ tặng cho khu lưu niệm những hiện vật và bút tích quý giá về đồng chí Tố Hữu mà cả cuộc đời bà nâng niu, cất giữ. Với tấm lòng thành, bà đề nghị Hội khuyến học huyện cho bà góp phần xây dựng quỹ học bổng Tố Hữu mỗi năm 20 triệu đồng. Món quà nhỏ nhưng chứa đựng cả một tấm lòng lớn của một người con dâu với quê chồng, của người đồng chí với quê hương cách mạng ân tình, ân nghĩa và thủy chung.

Một ngày với gia đình đồng chí Tố Hữu thật đủ đầy ý nghĩa và rồi cũng phải đến phút chia tay. Vẫn dáng đi nặng nhọc nhưng đầy quả quyết, bà Thanh cùng gia đình bước lên xe, trở về, song trên đôi mắt ngấn nước hiền lành, nhân hậu còn ẩn chứa những nỗi niềm không thể nói hết được...

                                                                Sịa, tháng 7 năm 2008

                                                                                 H.Đ

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.299.640
Truy câp hiện tại 2.659