Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số kết quả đạt được qua 4 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa Quảng Điền, giai đoạn 2008-2012
Ngày cập nhật 07/01/2013
Hội vật làng Thủ Lễ

           Thực hiện Quyết định số 1.489/QĐ-UBND ngày 30/6/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa Quảng Điền giai đoạn 2008-2012; sau 04 năm triển khai Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa Quảng Điền, giai đoạn 2008-2012, lĩnh vực văn hóa-xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể:

            Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh theo hướng từng bước đi vào chiều sâu; đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đến cuối năm 2012, đã có 97/102 làng, thôn đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 95,09%; 87/98 cơ quan đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 88,77%; 20.247/21.169 hộ gia đình đăng ký được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 95,6%. Phong trào đã đưa lại những kết quả đáng phấn khởi, thể hiện rõ trong việc nâng cao niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của công dân trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy ước, hương ước; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của văn hóa và con người Việt Nam..., tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu; hạn chế tác động một số mặt tiêu cực xã hội...góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa ở nông thôn và thay đổi diện mạo nông thôn mới. 
           Công tác thông tin tuyên truyền đã có những chuyển biến đáng kể; nội dung chương trình được đổi mới, đa dạng hơn trong việc giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận nhân dân; mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được nâng lên. Đã tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Đài Truyền thanh huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn.
Các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, các lễ hội truyền thống được khôi phục và duy trì hàng năm thu hút đông đảo nhân dân tích cực tham gia, như: Hội Vật truyền thống làng Thủ Lễ, đu tiên ở thôn Phước Yên (Quảng Thọ); Lễ hội cầu ngư ở thôn An Xuân (xã Quảng An), An Lộc (xã Quảng Công), Hội đua thuyền truyền thống của huyện vào dịp 22/12 hàng năm, thị trấn Sịa ngày mùng 7 tết hàng năm, xã Quảng Phước 26/3 hàng năm... Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện cũng được chú trọng.
Cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng. Đã tích cực, tranh thủ sự đầu tư của cấp trên và các nguồn lực có được để đầu tư xây dựng Trung tâm Thể thao huyện giai đoạn I gồm các hạng mục như: nhà thi đấu đa năng, bể nước ngầm, sân đường nội bộ, tường rào, sân vận động, hệ thống điện, nước. Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xã, thôn; trang cấp sách cho thư viện huyện; cung cấp các thiết bị âm thanh, máy móc cho Trung tâm Văn hóa thông tin-Thể thao huyện và một số xã, thôn. Ngoài ra, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng như huy động sự hỗ trợ kinh phí của các cá nhân, tổ chức, đã đầu tư xây dựng mới thêm 03 nhà văn hóa xã Quảng Thọ, Quảng Thái và Quảng Phú; xây mới, nâng cấp, tu bổ nhiều nhà văn hóa thôn và một số xã đã đầu tư xây dựng sân bóng đá của xã. Từng bước trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ (hiện nay trên địa bàn huyện có 03 di tích cấp quốc gia, 06 di tích cấp tỉnh).
Đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nhân dân đóng góp kinh phí để xây dựng cổng chào vào các thôn, xóm. Từ nguồn kinh phí xây dựng huyện điểm văn hóa, đã đầu tư mua sắm các loại tài sản phục vụ cho hoạt động văn hóa (lắp đặt 10 máy vi tính, nối mạng tại Thư viện Nguyễn Chí Thanh; mua sắm trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng, đàn Organ cho Đội thông tin lưu động của huyện; mua sắm các phương tiện tác nghiệp của phóng viên Đài Truyền thanh huyện...); xây dựng nội dung văn bia giới thiệu các di tích; làm pa-nô, áp phích tuyên truyền trực quan; in ấn phẩm truyền thông phục vụ tuyên truyền huyện điểm văn hóa; tu bổ tôn tạo di tích khu lăng mộ Đặng Hữu Phổ; phát động đợt nghiên cứu về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện...
Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, đã duy trì và nâng cao chất lượng đơn vị đạt chuẩn phổ cập THCS. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi vào nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các cấp học hàng năm đều tăng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đều bằng hoặc cao hơn mức bình quân toàn tỉnh. Số học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng đạt trên mức bình quân toàn tỉnh (từ 25-30%, bình quân 450-500 em/năm, tăng 18,7% so với năm 2005, cao nhất 2012 có trên 850 em thi đỗ). Đội ngũ giáo viên đã được chuẩn hóa theo quy định. Hệ thống trường học từng bước được đầu tư, nâng cấp xây dựng mới theo hướng kiên cố hóa, tầng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển số lượng và nâng cao chất lượng. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp. Những thành tựu của khoa học công nghệ được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống xã hội.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám và điều trị bệnh ở các cơ sở y tế được nâng lên. Đến nay, 11/11 trạm y tế có bác sĩ và nữ hộ sinh trung học, 8/11 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, triển khai lồng ghép nhiều chương trình có hiệu quả; từng bước nâng cao chất lượng dân số cả về thể lực và trí lực.
Công tác chăm lo đối tượng chính sách xã hội, thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo thường xuyên được quan tâm; đời sống nhân dân cơ bản ổn định và được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ chính sách, hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,9% năm 2012; xóa 531 nhà tạm cho các gia đình hộ nghèo (thuộc chương trình 167).
Khuyến khích phát triển sản xuất, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Bình quân hành năm đã tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động; đào tạo nghề cho khoảng 550- 600 lượt người, đến nay có trên 40% lao động xã hội qua đào tạo. Nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và huy động các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 8,63% năm 2012.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được chú trọng, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động vi phạm về hoạt động văn hóa, lợi dụng văn hóa. Năng lực lãnh, chỉ đạo và quản lý điều hành của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp được nâng lên. Mặt trận, các đoàn thể, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phát động, tập hợp vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn về xây dựng đời sống văn hoá trong từng địa phương, đơn vị.
Có thể khẳng định, qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện văn hóa Quảng Điền giai đoạn 2008-2012, mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư, giúp đỡ của UBND tỉnh và các ngành cấp tỉnh, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong việc xây dựng huyện trở thành huyện văn hóa gắn với xây dựng huyện nông thôn mới. Đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên một bước; các hoạt động văn hóa từng bước phát triển ở các vùng trong huyện; đã chú trọng việc bảo tồn và phát huy tích cực những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Lĩnh vực giáo dục, y tế, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có những bước tiến đáng kể. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội hóa việc thực hiện Đề án được đẩy mạnh.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, đó là: Một số chỉ tiêu đặt ra đạt thấp so với kế hoạch đã đề ra. Tình trạng lãng phí, tốn kém trong việc tổ chức tiệc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Chất lượng của một số làng, thôn văn hóa chưa cao. Nhiều xã chưa có các thiết chế như: Nhà văn hóa, sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, khu luyện tập thể dục thể thao ngoài trời, khu vui chơi thiếu nhi, cổng chào bằng bê tông kiên cố...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa Quảng Điền trong thời gian tới. Ngoài sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện của các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở, UBND huyện cũng mạnh dạn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng các hệ thống thiết chế văn hóa theo Đề án đã được phê duyệt. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên ngành cấp trên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin ở cơ sở đủ mạnh, bảo đảm công tác quản lý Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ, nhất là ở cơ sở (HTN lược ghi).
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.802.899
Truy câp hiện tại 7.315