Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống - giải pháp cho quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế của Quảng Điền.
Ngày cập nhật 14/09/2010
Rau xanh Thành Trung

       Đề án quy hoạch khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Tại huyện Quảng Điền cũng đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để khôi phục và phát huy có hiệu quả các làng nghề truyền thống nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo.

            Quảng Điền được biết đến là địa phương giàu truyền thống văn hóa, với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, nhân dân nơi đây vốn nổi tiếng siêng năng, cần cù, chăm chỉ trong lao động. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với nguồn lương thực lúa, ngô, khoai sắn cùng các loại rau màu vốn có, đồng thời ở Quảng Điền hiện còn lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống có từ ngàn xưa như nghề đan lát Bao La, Thủy Lập, nghề làm bún bánh Ô Sa, nghề mộc, nề, cơ khí, thêu ren... Tất cả các ngành nghề này cùng với một số ngành nghề khác đã có thời gian phát triển mạnh mẽ, góp phần làm phong phú thêm các ngành nghề và tạo nên sự đa dạng về sản phẩm. Hiện nay, một số nghề đã mai một cần được khôi phục để phát triển.

            Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống cũng là một trong những nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Điền lần thứ XII đề ra, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Quảng Điền, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp trên, huyện Quảng Điền đã có những chính sách hỗ trợ các làng nghề truyền thống khôi phục và phát triển thông qua nguồn vốn khuyến công, bình quân mỗi làng nghề được hỗ trợ từ 30 đến 70 triệu đồng/ năm để khôi phục và mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 50 cơ sở sản xuất kinh doanh và các làng nghề được hỗ trợ nguồn vốn khuyến công, với các nhóm ngành nghề chủ yếu như: chế biến lâm sản; mây, tre, cơ khí hàn gò; chế biến nông sản...Phần lớn các cơ sở nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đều làm ăn có hiệu quả, từng bước khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường và từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm như: Nghề làm bún bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh, mây tre đan Bao La, nước mắm Tam Giang, cơ khí Lợi Sịa... Các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh này đã tạo ra những việc làm mới, ổn định, mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện, giải quyết tình trạng lao động nhàn rỗi và thất nghiệp tại địa phương. Đồng thời huyện đã tổ chức cho các cơ sở làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn. Tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, ngành cấp trên để tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

            Việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống và các làng nghề không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phục vụ sản xuất, tiêu dùng mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa mang ý nghĩa kinh tế, xã hội vừa mang ý nghĩa văn hoá dân tộc sâu sắc. Vì vậy, Quảng Điền đang đẩy mạnh khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống.

            Hiện nay, một số làng nghề của huyện Quảng Điền đã được khôi phục, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như, rau xanh Thành Trung, nghề trồng hoa, cây kiểng ở La Vân Hạ, Quảng Thọ, mỗi năm đem lại thu nhập từ 60 đến 120 triệu đồng cho người dân, nghề mây tre đan giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động...Quảng Điền đang phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã trên địa bàn huyện có một làng nghề đạt tiêu chí làng nghề truyền thống của địa phương.

            Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2010 này, huyện Quảng Điền đã triển khai việc phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện với các tuyến du lịch như tham quan thành cổ Hóa Châu kết hợp với làng rau Thành Trung ở Quảng Thành, làng rau xanh Quảng Thọ kết hợp với phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng, tham quan du lịch sinh thái trên phá Tam Giang...Tuyến du lịch sinh thái trên phá Tam Giang đã đi vào hoạt động bước đầu thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa phương. Để đưa các làng nghề vào các tour du lịch, bên cạnh sự cố gắng của địa phương như đảm bảo các hạ tầng làng nghề, phục vụ và cung cấp các sản phẩm truyền thống cho du khách....thì các ngành cấp tỉnh, đặc biệt là các công ty du lịch cần có kế hoạch, định hướng phát triển lâu dài, đưa các làng nghề truyền thống vào kế hoạch khai thác du lịch, liên kết với các địa phương và các hộ gia đình trong tổ chức các tour du lịch, nhất là các tuyến du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện.

            Tuy nhiên, hiện nay một số làng nghề trên địa bàn huyện còn phát triển với quy mô nhỏ lẽ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để làng nghề phát triển cần tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư của các ngành cấp trên về nguồn vốn, KHKT, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở các làng nghề. Khôi phục và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch tại địa phương: Đưa các làng ghề truyền thống vào các tour du lịch để vừa giới thiệu cho du khách những nét truyền thống của văn hoá Việt Nam, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất các mặt hàng truyền thống, qua đó tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống cũng như các ngành nghề trong nông thôn phát triển. Đồng thời cấp trên cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm nghề truyền thống, có chính sách đào tạo, hình thành chủ doanh nghiệp làm đầu mối ngành hàng đủ sức phục vụ cả đầu vào, công nghệ tiêu thụ sản phẩm, gắn phát triển du lịch, dịch vụ với kinh tế, văn hóa của địa phương./.

                                                     Ngọc Kim

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.296.096
Truy câp hiện tại 275