Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

QUẢNG ĐIỀN GIỮ VỮNG NIỀM TIN, VỮNG BƯỚC TIẾN LÊN!
Ngày cập nhật 10/02/2010

Quảng Điền là vùng đồng bằng chiêm trũng, nằm về phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích tự nhiên 16.307,7 ha, dân số 83.048 người, với 10 xã và 1 thị trấn. Là vùng đất được hình thành từ lâu đời, với bản sắc văn hóa phong phú và truyền thống tốt đẹp trong công cuộc dựng nước và giữ nước, truyền thống đó được tiếp tục vun đắp trong suốt các chặng đường đấu tranh cách mạng.

Từ thế kỷ 14 (1306), quốc vương Chămpa, Chế Mân, dâng châu Ô, châu Lý làm lễ vật cho mối lương duyên với công chúa Huyền Trân nước Đại Việt (vương triều Trần), mở đầu cho hành trình mở cõi về phương Nam của người Việt xưa. Năm Mậu Ngọ nguyên niên (1558), Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (chúa Nguyễn Hoàng) đổi tên huyện Đan Điền thành huyện Quảng Điền. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kết thúc vương triều Nguyễn, rồi hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ròng rã 30 năm, trãi qua biết bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử, nối tiếp bao thế hệ sinh ra, lớn lên, trưởng thành và ngã xuống trên mảnh đất này. Nơi đây từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. “Đất nghèo nuôi những anh hùng”, từ cổ chí kim thời nào ở Quảng Điền cũng có những người con trí dũng, tài đức đóng góp cho đất nước, cho dân tộc. Thời gian có thể đi qua theo năm tháng nhưng lịch sử và trái tim của các thế hệ người dân Quảng Điền mãi mãi khắc ghi những chiến công, những tên đất, tên làng, những người con ưu tú của Quảng Điền sẵn sàng xả thân vì nước: đường Thiên Lý Bắc - Nam, thành cổ Hóa Châu, phủ Phước Yên, phủ Bác Vọng, mộ Ba Tầng; và còn đó Niêm Phò, Nam Dương, Vĩnh Tu là những địa danh lịch sử; Ngô Thế Lân, Trần Thúc Nhẫn, Đặng Hữu Phổ những đại thần yêu nước, thương dân; Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu là những người chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng và dân tộc…

Trong đấu tranh cách mạng, Quảng Điền sớm hình thành tổ chức Đảng. Từ năm 1937, chi bộ Niêm Phò với vài đảng viên, tiền thân của Đảng bộ huyện ngày nay đã tiến hành lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Quảng Điền là vùng căn cứ lõm, nơi đối đầu với các kiểu chiến tranh và thủ đoạn hung bạo nhất của kẻ thù, nhưng cán bộ vẫn liên tục bám dân, giữ vững địa bàn, sẵn sàng tổ chức vận động chi viện sức người, sức của cho kháng chiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện có 7/11 xã, thị trấn và Ban An ninh huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ba mươi lăm năm từ ngày giải phóng quê hương, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống anh hùng trong những năm kháng chiến, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Từ một nền kinh tế phụ thuộc, tình trạng thiếu đói là phổ biến, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì. Trãi qua 35 năm vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tập trung phát triển kinh tế, nền kinh tế huyện nhà từng bước phát triển, bộ mặt các làng quê và trung tâm huyện lỵ không ngừng khởi sắc. Năm 2009, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, thời tiết khắc nghiệt cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song nền  kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 13,66%, tổng giá trị sản xuất (GO) 669,793 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 8 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với thời kỳ 1991-1995; cơ cấu kinh kinh tế tiếp tục có bước chuyển dịch đúng hướng, tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 22,2%, dịch vụ chiếm 36,5%, nông-lâm-thủy sản chiếm 41,3%.

Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học, để từng bước thâm canh, tăng năng suất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2009, năng suất lúa bình quân đạt 58,5 tạ/ha, tăng 27,3 tạ/ha so với năm 1976; sản lượng lương thực có hạt đạt xấp xỉ 45.000 tấn, tăng 15.727 tấn so với năm 1990, nâng giá trị trên một đơn vị diện tích đạt 58 triệu/ha. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất chuyên canh đạt hiệu quả cao từ 80 - 150 triệu/ha như: hoa ở Quảng Thọ, Quảng Vinh, rau ở Quảng Thọ, Quảng Thành và Thị trấn Sịa, một số mô hình sản xuất 3 tầng canh tác ở HTX Phú Hòa, Quảng Thọ, Quảng Thành, mô hình cá - lúa - vịt ở Quảng Lợi, mô hình VACR và mướp đắng trái vụ, khoai mỡ ở Quảng Thái…đạt hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển cho những năm tiếp theo. Lĩnh vực chăn nuôi, dù phải đối mặt với dịch bệnh tai xanh, song đến nay tổng đàn lợn đã phục hồi, nâng số đàn lên 37.000 con, gia cầm đạt 451.000 con, tăng 23,6% so với năm 2008, và quan trọng hơn là lĩnh vực chăn nuôi đã chuyển dần phương thức nuôi theo hướng công nghiệp hóa và mở rộng quy mô trang trại, gia trại, đến nay toàn huyện có 27 trang trại chăn nuôi và 400 gia trại, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đã khắc phục về cơ bản tình trạng dịch bệnh tôm nuôi vùng nước lợ, vừa đầu tư hạ tầng vùng nuôi, vừa áp dụng hình thức nuôi xen, nuôi có sử dụng chế phẩm EM, vì vậy năm 2009 trên 85% hộ nuôi trồng có lãi.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng có những bước phát triển đáng kể, đã tập trung khôi phục làng nghề truyền thống như đan lát (Bao La, Thủy Lập), bún, bánh (Ô Sa), nón lá (Phú Lễ)… Đồng thời, bằng chính sách khuyến công đã tạo điều kiện để phát triển một số ngành nghề mới như cơ khí, mộc mỹ nghệ, may công nghiệp, thêu ren, chế biến lương thực, thực phẩm, khai thác vật liệu xây dựng… Đến nay, đã phát triển 58 doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2009, giá trị tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 57,980 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với năm 1990. Hệ thống chợ trung tâm, chợ nông sản phát triển khá hoàn chỉnh, đang tập trung xúc tiến, đầu tư để hình thành ở cụm tiểu thủ công nghiệp An Gia, xúc tiến quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Quảng Vinh, cụm tiểu thủ công nghiệp Hạ Lang mở ra khả năng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ thời kỳ 2010 - 2015.

Với lợi thế, tiềm năng vùng cát nội đồng, cát ven biển và 12 km bờ biển, hơn 3.500 ha mặt nước phá Tam Giang, sự đa dạng, phong phú về thủy, hải sản đã mở ra tiềm năng phát triển trang trại trên cát; khai thác, nuôi trồng thủy sản, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đầm phá đang từng bước quy hoạch, khai thác, mở hướng đi mới đầy triển vọng trong quy hoạch tổng thể khu kinh tế Tam Giang-Cầu Hai. Hệ thống “điện, đường, trường, trạm” và các công trình phục vụ dân sinh từng bước được nâng cấp. Các công trình hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như đường Nguyễn Chí Thanh: các tuyến đường thuộc dự án WB, ADB, Jilic đã và sẽ khởi công trong thời gian tới: đường tỉnh lộ 11A, tỉnh lộ 4, đường Bắc Vĩnh Hòa, cầu Vĩnh Hòa, cầu Đan Điền, đường và cầu Tứ Phú - Quảng Vinh, các tuyến đê xung yếu như đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ, Đông Lâm, thủy lợi Tây Hưng, trường THPT Tố Hữu… Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản 10 năm trở lại đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, riêng năm 2009 đạt 190,6 tỷ đồng. Bằng các nguồn lực có được, chúng ta đã bê tông hóa 69,7 km đường nông thôn, kiên cố hóa 82,7km kênh mương. Kết quả đầu tư đã làm tăng thêm năng lực sản xuất mới, từng bước phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo được niềm tin và phấn khởi trong nhân dân.

Cùng với những kết quả trên lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được những kết quả đáng trân trọng. Quy mô, số lượng, chất lượng các ngành học, cấp học ngày càng phát triển. Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đạt mức cao, năm học 2009-2010 bậc tiểu học đạt 99,99%, bậc THCS: 94,9%, bậc THPT: 88,78%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm, bằng và trên mức trung bình chung của tỉnh, năm học 2008 - 2009, tốt nghiệp bậc tiểu học đạt 99,25%, bậc THCS: 92,1%, bậc THPT: 90,01%, hệ bổ túc văn hóa đạt 68,75%, cao nhất toàn tỉnh. Số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi ngày càng tăng, đỗ cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước (năm 2007 đỗ 291 em, năm 2008 đỗ 556 em và năm 2009 đỗ 736 em). Đến nay, toàn huyện đã có 56 trường, trong đó có 2 trường THPT, 1 trường THCS và THPT, 1 trường trung cấp dạy nghề, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, 10 trường THCS, 23 trường tiểu học và 17 trường mầm non. Mạng lưới trường lớp được sắp xếp, quy hoạch hợp lý và từng bước được đầu tư xây dựng, đến nay đã có trên 80% trường học được tầng hóa; trang thiết bị phục vụ dạy học không ngừng được tăng cường, 100% trường THCS và THPT được trang bị để ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Là huyện sớm được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (1995), phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở (2003). Nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân được coi trọng, đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, trang thiết bị được bổ sung. Đến nay 11/11 trạm y tế có bác sĩ và nữ hộ sinh, 100% trạm y tế đã đảm nhận được nhiệm vụ quản lý sức khỏe và chữa trị các căn bệnh thông thường, 9/11 trạm y tế được tầng hóa, 8/11 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm y tế huyện được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Sự nghiệp phát triển văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ. Phong trào xây dựng làng, cơ quan văn hóa được triển khai tích cực. Đã có 100% làng, cơ quan đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa. Đến nay, có 84/102 làng, thôn (chiếm tỷ lệ 82,35%), 80/94 cơ quan (chiếm tỷ lệ 85,1%) đạt chuẩn đơn vị văn hóa, tiêu biểu nhất là làng văn hóa An Gia (Thị trấn Sịa) được chọn tham dự Hội nghị tổng kết 20 năm Phong trào xây dựng làng văn hóa cấp Trung ương. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, một số lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và quê hương. Các thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng được coi trọng, đã có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng cao. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Xóa đói giảm nghèo” được triển khai có hiệu quả, đã tranh thủ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm huyện; hoàn chỉnh các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở các xã. Đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho đối tượng chính sách có công, làm mới 1.018 ngôi nhà cho các gia đình nghèo đang ở nhà tạm, đã xây dựng 6 khu định cư dân thủy diện, 2 khu định cư cho bà con bị sạt lỡ ven biển, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn 12,3%. Toàn huyện có 95,4% số hộ dùng nước sạch và hợp vệ sinh, 99,3% số hộ dùng điện.

Đi đôi phát triển  kinh tế - xã hội, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được tăng cường. Đảng bộ huyện quan tâm đã tập trung chỉ đạo công tác giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ; đẩy mạnh nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu” và phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Là huyện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, tuyển quân hàng năm, năm 2009 được Quân khu tặng cờ quyết thắng. Nhiệm vụ cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn thời gian trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai ngày càng tốt hơn ở các cơ quan và từng địa phương; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia giám sát và xây dựng chính quyền, hưởng ứng các phong trào thi đua hành động cách mạng, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm.

Vừa chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ huyện thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên. Từ 316 đảng viên sau năm 1975, năm 1990 có 657 đảng viên với 32 tổ chức cơ sở đảng, đến nay toàn Đảng bộ đã có 1.836 đảng viên, 46 tổ chức cơ sở đảng. Đã tập trung chỉ đạo củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, nâng cao vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo của chi bộ thôn, đến nay đã có 100 chi bộ thôn, trong đó có 98/102 thôn có chi bộ độc lập, tăng 21 chi bộ thôn so với năm 2003.

34 mùa xuân đã đi qua, chúng ta chuẩn bị đón mùa xuân mới lần thứ 35, Xuân Canh Dần 2010. Nhìn lại những chặng đường đã qua, dù còn nhiều khó khăn phải đối mặt, chính từ những thử thách cũng đã giúp cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà có thêm kinh nghiệm và sức đề kháng, thích ứng tốt hơn ở chặng đường phía trước. Chúng ta lại được sự quan tâm lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự giúp đỡ chí tình, có hiệu quả của tỉnh và Trung ương, cùng với truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, quân và dân trong huyện, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi trở lực để tạo nên những đột phá mới trong năm 2010.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 12 sẽ bàn và quyết định hướng đi cho giai đoạn 2010 - 2015. Một chặng đường mới, với nhiều thuận lợi cơ bản mở hướng xây dựng quê hương Quảng Điền trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đảng bộ, quân và dân Quảng Điền tiếp tục hướng về phía trước, đồng sức, đồng lòng nắm bắt thời cơ, vận hội mới, giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tin tưởng rằng, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm đưa Quảng Điền đi lên, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 

       NGUYỄN MỚI

TUV, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quảng Điền

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.344.442
Truy câp hiện tại 7.692