Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Quyết tâm tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
Ngày cập nhật 07/09/2015

            Với quyết tâm đưa nền kinh tế của huyện phát triển theo hướng tăng trưởng và ổn định, huyện Quảng Điền đã triển khai đề án “tái cơ cấu nền nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016 -2020”. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp chiều sâu của huyện.  

            Trong những năm trở lại đây, nông nghiệp của huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí của ngành trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện, đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 80% dân cư khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cùng với bối cảnh kinh tế chung của cả nước, nông nghiệp của huyện Quảng Điền còn bộc lộ những hạn chế trong quá trình phát triển như: Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, thiếu những vùng sản xuất nông sản hàng hoá chủ lực, an toàn gắn kết với thị trường. Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình. Xuất phát từ yêu cầu nội tại của huyện, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”  huyện Quảng Điền sẽ đưa ra những căn cứ, định hướng lớn nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế huyện và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước.

                                  phát triển trang trại theo hướng tập trung

            Theo ông Hà Quang Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, phó Chủ tịch UBND huyện: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư; thu hút doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đẩy nhanh Chương trình xây dựng nông thôn mới, trên tinh thần “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp” và “cộng đồng dân cư là chủ thể chương trình” nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.

              Để đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016- 2020” mang lại hiệu quả; trong thời gian này, huyện sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp đó là: Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mục tiêu cụ thể của đề án là duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất ngành đạt tốc độ tăng bình quân 6-8%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 50.000 tấn, diện tích trồng lúa chất lượng 2.000 ha, tổng sản lượng thịt hơi trên 10.000 tấn. Trên lĩnh vực thuỷ sản sẽ ổn định diện tích nuôi 635 ha, vận động nhân dân tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi. Đẩy mạnh nuôi nước ngọt theo hướng đa dạng hình thức, đối tượng nuôi, tạo bước đột phá trong phát triển, nâng cao sức cạnh tranh với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng một ngành nông nghiệp sạch.      

            Để thực hiện thành công đề án này, ngành nông nghiệp đã đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến các nhóm giải pháp như: Tập trung cho công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch; gắn tái cơ cấu nông nghiệp với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng nhanh khoa học công nghệ trong sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức, năng lực quản lý cho các chủ trang trại, nông dân nhằm nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, giúp cho nông dân làm chủ quy trình đối với các đối tượng sản xuất cụ thể. Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên nghiệp hoá người nông dân và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp từ huyện đến xã./.

 

 

                                                                                                                                                                         Công Cường

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.294.388
Truy câp hiện tại 38.335